Tâm tình về bài thơ “Nỗi Oán Gà Tây”

Mô Phật, thưa quý vị chưa quen biết, quý anh chị em bạn đọc thân thương lâu nay trên trang Facebook CHÙA PHƯỚC HUỆ, là những người được định cư rất sớm tại một đất nước thứ hai, (một đất nước được cho là có nền tự do nhất thế giới.), không phải là chúng tôi không biết câu tục ngữ Việt Nam “Nhập gia tuỳ tục, nhập giang tuỳ khúc.” song tất cả những bài viết, vần thơ, hình ảnh đều nhằm vào một mục đích là hướng dẫn tinh thần và giáo dục tâm linh dẫn người đọc đi sâu vào Đạo là, giải thoát cho con người ra khỏi những ràng buộc của nghiệp cảm, đau khổ thì đó cũng là con đường tự do vậy. Đồng thời, thỉnh thoảng cũng có những bài viết, những vần thơ về tình tự quê hương hầu góp một phần nhỏ trong muôn một cho việc khuyến khích, hỗ trợ, kêu gọi tinh thần yêu quê hương, yêu đồng bào và yêu Tổ Quốc để quyết bảo vệ vẹn toàn đất nước Việt Nam.
Bởi trong chúng ta tuy không nói ra, nhưng đại đa số trong tâm khảm của người con Việt đã âm thầm chấp nhận câu “Mái Chùa che chở hồn Dân Tộc.” Và rằng, trên trang facebook nầy tuyệt đối không nhằm đả kích bất cứ một truyền thống lành mạnh nào, một tôn giáo hay một đất nước nào, ngoại trừ một nước đã và đang đang tâm xâm chiếm Việt Nam. Do đó, không phải là chúng tôi không biết tôn trọng những ngày lễ của một xã hội mà mình đang sinh sống; là người xuất gia, chúng tôi chỉ làm công việc của một người xuất gia, đó là phải lội ngược dòng. Nghĩa là Đạo Phật vốn dĩ là Đạo Nghịch Lưu, tức là người hành đạo luôn luôn đi ngược với dòng chảy của đời thường, (không làm, không chạy theo tập quán, tập khí, tập tục thiếu lành mạnh của thế tục mà ngược lại phải bài trừ điều ác và bài trừ những phong tục hủ lậu gây tạo thêm những nghiệp xấu cho chính bản thân và cho cả hữu tình chúng sanh). Cố nhiên, chúng tôi không chỉ biết mà đã biết rất rõ ràng răng là, sau khi post bài “Nỗi Oán Gà Tây” nầy lên thì, sẽ nhận lại một số phản ứng ngược chiều của quý bạn đọc, nhưng chúng tôi vẫn không ngại, mà ngược lại rất biết ơn, rất tôn trọng tất cả những góp ý, kể cả những nghịch và thuận của quý bạn đọc.
Thưa quý bạn đọc, tất cả những công sức hy hiến nầy chỉ với một chút hy vọng nhỏ nhoi rằng, trong 100 bạn đọc đó, nếu có được năm đến bảy người thay đổi cách nhìn, cách tu duy và biết cách trở về với chính mình, trở về với con đường chuyển hoá nghiệp thức là chúng tôi đã có niềm vui lớn rồi.
Quý bạn đọc thân mến, mỗi người, mỗi gia đình đều có cách, có phương pháp dạy con riêng của họ, cũng vậy, Chánh Pháp của Phật tuy chỉ là một, song mỗi vị hướng đạo đều có cách hướng dẫn người theo học, thực hành chánh Pháp mỗi phương cách, không ai giống ai, miễn là người theo học thấy được ánh sáng của từ bi và tuệ giác phía trước. Cũng thế, như những thầy thuốc dùng các loại thuốc, người dùng loại thuốc nầy kẻ dùng loại thuốc khác, cũng chỉ để có một mục đích, đó là trị bệnh và bệnh nhân chịu uống thuốc thì hết bệnh, còn nếu không thì ngược lại. Do đó, chúng ta cần nên bình tâm để tìm hiểu, tại sao Đức Phật ra đời, trong khi thời bấy giờ đã có rất nhiều các vị”Đạo Sư” đang lưu hành trên khắp cõi Ta Bà nầy. Ngài thị hiện cũng một con người, cũng tầm đạo, cũng thành Đạo và truyền Đạo, và, Đức Thế Tôn đã bất chấp những chì chiết, đả phá, ngay cả bị đe đoạ về tánh mạng nữa, nhưng Đức Phật vẫn vững bước 45 năm trên đường chuyển hoá, nhờ vậy chúng ta mới có được, mới hưởng được Chánh Pháp, là con đường an lạc giải thoát của ngày nay.
Một điển hình rất xác thật mà không xa thực tế lẫn thời gian là, cách nay khoảng 15 năm trở về trước thôi, ngoài một số rất ít Phật tử thuần thành ra, còn lại phần nhiều là mỗi khi cha mẹ hay người thân trong gia đình của họ mất, họ đều giết heo, hay trâu bò, trước để cúng tế và sau để ăn thịt. Do đó, nếu không có quý Thầy đi tiên phong, nghĩa là quý Thầy đứng mũi chịu sào là đem Phật Pháp đến tận mỗi nơi để giảng dạy, để rồi phải nhận lãnh những cú đả kích kịch liệt như chúng tôi đang bị hôm nay thì, tình trạng nhà nhà giết súc vật để cúng tế đó chưa chắc đã giảm chút nào như hôm nay đã giảm hầu hết vậy. Thiết nghĩ, tốt đẹp thay, khi những người con hiếu thảo đã thay vào đó bằng những mâm chay tịnh để tưởng nhớ Cha Mẹ, là đã có ý nghĩa sâu xa đến dường nào và đẹp xiếc bao rồi vậy!
Lời tâm tình cũng đã quá dài, người viết xin đúc kết bằng bốn câu thơ đã đăng lên trên trang fb nầy.
Ta gom giọt nắng hong tóc rối
Gởi tấm lòng thương khắp bụi đường
Gởi theo Đuốc Tuệ vào đêm tối
Để thấy Hạt Tâm dậy toả hương
Và đây là bài Nỗi Oán Gà Tây
Nỗi oán gà tây
(Lễ Tạ Ơn-Thanksgiving)
khổ thân ta một kiếp gà tây
người Tạ Ơn trên thân xác nầy
miếng thịt thơm qua ba tấc lưỡi
mà oan hồn lắm đỗi phân thây
rồi nghiệt oan, oan nghiệt chất đầy
tiếng kêu gào phủ tận trời mây
người nghe không, những gì ta réo?
hay chỉ là say xỉn lại xỉn xay?
Kính chúc quý vị và quý anh chị em bạn đọc thân thương trên làn sóng facebook có một mùa lễ Tạ Ơn thật trong sáng, thật ý nghĩa và an lành, hạnh phúc. Tác giả xin cảm niệm sâu xa đến tất cả tấm lòng của toàn thể quý vị.
Tuệ Minh-Thích Phước Toàn
GHI CHÚ:
– Mời quí bạn đọc, đọc thêm bài Buddhist Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn trong Đạo Phật)
để rõ hơn về nhân quả và biết được tại sao chúng tôi luôn nhắc nhở mọi người về việc giảm thiểu sát sanh.

– Hình chú gà tây đầu người nầy là tác giả lấy từ trên mạng google xuống chứ không hề làm photoshop như bạn đọc Lake Washington đề cập. Và chắc chắn rằng người tây phương đã cố ý ráp tấm hình nầy thì họ đã nghĩ đến linh hồn của con gà tây không khác linh hồn của con người. Cũng biết đau, biết ham sống sợ chết, chứ họ không chấp nhận thuyết “vật dưỡng nhơn” của một số người vô cảm đâu nhé.

Tâm tình về bài thơ "Nỗi Oán Gà Tây"
Tâm tình về bài thơ “Nỗi Oán Gà Tây”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *