Niềm Tin là mầm sống
Là con người, từ lúc chập chững bước vào đời đến khi trưởng thành, ai cũng mong ước là gầy dựng cho chính mình một tương lai thật tươi sáng, một nếp sống vững chắc, và về tâm linh thì mong có được một niềm tin đúng đắn. Song vẫn còn tuỳ vào phước báo và sự cố gắng của mỗi người, trong đó phần nào cũng ảnh hưởng âm đức của ông bà, cha mẹ và tổ tiên. Nhưng nói đến niềm tin thì lại khác, điều này rất phức tạp, nhất là thời nay xã hội đầy nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, chẳng biết phân biệt đâu là giả, đâu là chân. Giữa xã hội tự do tư tưởng, tự do báo chí, truyền hình, truyền thanh, quảng cáo, mua chuộc, dụ dỗ, và lắm sự pha trò. Có những đức tin được đem rao bán như những món hàng quảng cáo, cạnh tranh để được nhiều khách hàng cho mục đích vụ lợi. Với một cái nhìn hời hợt thì thật khó phân biệt, nên người viết xin mạo muội xếp thành bốn phạm trù và phân tích đôi điều về vấn đề này như sau.
1- Vị tình mà tin
Trường hợp, nếu có ai giúp mình điều gì trong lúc hoạn nạn, hay giúp cho mình phần nào lúc sơ cơ thiếu thốn, rồi từ đó họ bảo mình đổi đạo theo họ. Vì nể tình giúp đỡ đó, mình cứ thây kệ, nhắm mắt nghe theo, đại để cũng chỉ làm vui lòng người mình đã chịu ơn. Tin như thế chẳng khác nào là người tự đặt mình vào chỗ kém sáng suốt, nếu không muốn nói là người mắc chứng thiểu năng tâm trí. Vì ơn nghĩa là ơn nghĩa, niềm tin là niềm tin, hai lĩnh vực này không nên lẫn lộn. Không thể trả giá niềm tin bằng cách chiều lòng người khác, vì nếu sau nầy còn phải chịu ơn một người thứ hai, thứ ba khác nữa, thì bạn sẽ trở thành hạng người trước sau bất nhất. Qua đó, một câu chuyện xảy ra có liên quan đến người viết, nên xin kể lại hầu đại chúng.
Hồi gần cuối năm 1991, một hôm đang dọn dẹp sân Chùa Việt Nam ở Los Angeles, một thầy gọi với xuống, thưa thầy, thầy có điện thoại. Chúng tôi nghỉ tay lên nghe máy, bên kia đầu dây thật khẩn thiết.
– Bạch thầy, con tên là Võ Thị Hữu Hạnh, là huynh trưởng một GĐPT tại Nha Trang, xin thầy cứu giúp chúng con với thưa thầy.
– Có chuyện gì xảy ra vậy thưa chị? Thầy vẫn chưa hiểu.
– Dạ, chúng con qua Mỹ một toán năm gia đình, theo diện HO, được gần 3 tuần lễ nay rồi. Một hội Tin Lành bảo lãnh, ngày nào họ cũng đến nhà bắt ép và chở đi nhà thờ hai lần, con trốn lui tránh tới, nhưng họ vẫn bắt chồng và các con của con đi nhà thờ hết. Hiện nay đã có hai gia đình, một phần vì nể công ơn họ bảo lãnh qua, một phần vì do họ ép riết nên hai gia đình kia cũng thuận theo và đã cải đạo qua tin lành rồi thưa thầy.
Tôi trấn an chị ấy, khuyên chị giữ bình tỉnh và xin địa chỉ nhà của chị. Tìm trong bản đồ mới biết là quí vị này được bảo lãnh qua thành phố Riverside, cách LA gần 3 tiếng đồng hồ lái xe. Tôi dò đường và lái xe đến đó là đã 5 giờ 15’ chiều, nhà thờ đã đến đưa các gia đình này đi lễ bận chiều. Chỉ còn lại vài ba người trốn ở nhà. Tôi phải đợi họ trả các gia đình lại mới nói chuyện với họ. Tôi hướng dẫn cho họ dọn về thành phố Garden Grove, nơi có đông đúc người Việt sinh sống. Nhưng cũng chỉ cứu được ba gia đình đang lưỡng lự chưa chính thức đổi đạo đó thôi. Sau này chị Võ Thị Hữu Hạnh, kể lại là khi qua Mỹ gặp tình trạng như thế, cũng không quen biết ai, nên gọi về cho một Ni Sư tại Nha Trang thì Ni Sư cho số điện thoại của tôi, bởi trước đó chúng tôi cũng đã bảo trợ gia đình anh Phạm Hậu và một số các gia đình khác qua từ Nha Trang, nên Ni Sư mới biết. Sau gần hai năm thì chuyện thương tâm xảy đến, chị ấy đã qua đời sau cuộc giải phẫu tim thất bại.
2- Đụng đâu tin đó
Tâm linh là điều tối quan trọng trong đời, song những người đụng đâu tin đó thì thật sự là tầm nhận thức thiếu sáng suốt. Ai nói gì cũng tin, nghe cái gì lạ, điều gì có vẻ huyền hoặc thiếu chứng thực cũng tin. Phần nhiều do bởi sự truyền miệng của người khác và mọi người hùa theo. Sự thực thì phép lạ không ở đâu ngoài tâm thức của chúng ta. Như thiền sư Nhất Hạnh trong cuốn, “Phép lạ của sự tỉnh thức”. Hoặc SC Như Thuỷ trong bài thơ Diệu Pháp Liên Hoa:
“ …..
Khi đã biết trần gian là huyễn mộng
Thì niết bàn có lẽ cũng chiêm bao
Vì thiên thần đã chắp cánh bay cao
Nên phép lạ nảy sanh từ lòng đất ”
Niềm tin thiếu thực nghiệm thì dễ đưa con người đến luẩn quẩn trong vòng phiền não, dễ làm tổn hại và có thể mang đến đau khổ cho bản thân và gia đình. Bởi niềm tin là một quyết định lớn lao đối với tuệ mạng của con người, có thể dẫn dắt con người hướng an lạc, hoặc có thể làm băng hoại tinh thần của con người trong nhiều kiếp. Thế nhưng, ngày nay ở xã hội Á Rập vẫn còn tin ở các thầy phù thủy, để rồi nhiều khi phải chết rất oan uổng khi mà xã hội này còn cố giữ một tập tục tai hại, đó là giết chị hoặc em trong nhà để phục hồi danh dự khi nạn nhân bất hạnh đã gặp phải những nạn cưỡng bức, hãm hiếp. Những nhà nghiên cứu đã cho thấy, “Trong số 30 phục nữ bị hạ sát để bảo vệ danh dự gia đình thì, 29 người chưa bị một chút tì vết gì (*).” Thật oan uổng lắm thay! Riêng người Việt Nam chúng ta rất nhiều người tin những bà, những ông đồng bóng, đồng cốt, những người tập thiền theo kiểu xuất hồn, học truyền tâm ấn theo kiểu thôi miên v.v… Tôi đã chứng kiến nhiều người tin và làm theo những điều trên, nhiều người bị tán gia bại sản, nhiều người đã bị điên điên khùng khùng cũng có, còn số người khác đã tự tìm con đường quyên sinh. Và chính tôi cũng đã từng đi làm lễ tiếp dẫn cho họ.
3- Cuồng Tín và Cố Chấp
Tin vào một sự tuyên truyền, hoặc dựa vào truyền thống sai lầm từ ông bà cha mẹ cũng lắm tác hại. Bởi lẽ cha mẹ tin theo như thế nào, con cái cũng phải y theo đó mà đun đầu vào, đúng hay sai không có quyền bàn đến. Những vấn đề lạc hậu hiện vẫn tồn tại giữa xã hội này, cũng là một bất hạnh nan giải cho con người. Trường hợp như mỗi năm nhiều nơi còn giết trâu, bò, heo để cúng tế thần. Hay một vài tôn giáo, khi con lập gia đình bắt buộc cô dâu hoặc chú rể phải theo đạo của mình, nếu trái lời cha mẹ thì không được, cho là con bất hiếu, rối đạo, hoặc được gán ghép là vô giáo dục. Tệ hơn nữa là việc hôn nhân phải hủy bỏ. Một chuyện khác đã xảy ra tại vùng Tây Bắc này cách nay ít năm, một phụ nữ nằm trong phòng sanh, máu ra nhiều quá nên hết máu, nhưng chính người chồng và những người trong đạo đó nhất quyết không cho bác sĩ chuyền máu, kết cuộc để phải vong mạng một cách oan uổng. Sau đó, cha của cô này phần vì đau khổ bị mất con, phần quá bức xúc, nên ông ấy đã đăng một lá thư lên mặt báo để phản đối quan niệm luật lệ của đạo đó. Nên nhớ rằng, chân lý là phải tự do tìm hiểu, và ngược lại là một niềm tin mù quáng. Bởi tìm về đạo là tìm về giây phút an lạc hạnh phúc, sống tươi vui đâu chưa thấy, trước mắt chỉ thấy phiền não, nước mắt và đau khổ với những oái oăm ấy. Hơn nữa, niềm tin do cha mẹ truyền lại, đôi khi cũng rất lạc hậu, do thiếu cởi mở, hoặc do tin để có được một chức vị, một thế lực nào đó, hoặc tin vì cái ăn cái mặc v.v. Những điều tương tự như trên đã và đang xảy ra nhan nhản tại Việt Nam và tại hải ngoại.
Nói về sự thật thì muôn đời vẫn không thay đổi. Xã hội bây giờ khoa học càng ngày càng tiến xa hơn, càng tìm ra những gì người xưa nói không đúng thì chúng ta cũng nên thẳng thắn chấp nhận và sửa sai. Không nên lấp liếm tuyên truyền như một số người vẫn tin vào lời thánh hủ lậu, cho là 2000 năm tận thế, để những người thiếu hiểu biết hay có niềm tin lệch lạc, không vững vàng phải hốt hoảng, hoang mang. Khi thấy trùng hợp với những chuyện thiên tai bão lụt như tại Việt Nam vừa qua, rồi những tai nạn khác đã xảy ra, như nạn máy bay rớt, động đất tại THổ Nhỉ Kỳ, Đài Loan, Mễ Tây Cơ v.v. càng làm cho nhiều người dễ bị hoảng hốt. Họ chẳng biết điều đó đúng hay là sai và cứ nhao nhao lên thật tội nghiệp. Hồi tháng 10 năm 1992, do chủ thuyết tận thế đã gây náo loạn bên Đại Hàn, hoặc những lần chết tập thể tại Ý, Mỹ, Đài Loan để lên gặp Thượng Đế. Đó là những tai hại mà các chính quyền của một số quốc gia đang phải nhức đầu vì nó. Một nhà tư tưởng nào đó, tôi không nhớ tên, đã nói như sau:
“Một bác sĩ lầm lỗi chỉ hại chết một bệnh nhân,
một nhà chính trị lầm lỗi là hại đến một quốc gia,
một nhà văn hóa lầm lỗi là làm đen tối luôn một thế hệ.”
Một giáo chủ lầm lỗi sẽ giết hại vô vàn sinh linh và tâm linh. (Câu sau của người viết thêm vào)
Về văn hóa thì nhiều người sống nhờ cây bút, đôi khi chẳng có chút lương tâm để phải cố bẻ cong sự thực, bôi tro trát trấu lên mặt người khác, dù chính những nạn nhân đó đã có một đời sống mẫu mực, đứng đắn.
4- Tin vào chánh Pháp
Khi muốn đặt để cho chính mình một niềm tin thật vững chắc và đúng chỗ, thì tự mình hãy thực nghiệm và cảm giác được rằng, có gì mang lại an lạc cho chính mình, và nền tâm linh mỗi ngày một phát triển. Đừng bao giờ khăn khăn cố thủ một tín điều nào cả, mà hãy tìm hiểu, tiến xa hơn để so sánh những lý thuyết và tư tưởng khác nhau như những học giả tây phương, cách nhìn của họ rất cởi mở. Từ lâu, một số đại học đường Tây phương đã có những lối dạy mang tính phóng khoáng, có những môn học như: Tôn giáo tỷ giảo, triết học Đông Tây, những chương trình như thế đã giúp cho con người có một cái nhìn chính xác, bớt bảo thủ hơn. Điểm này đạo Phật đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Một lần nọ, ông Tu Bạt Đà La tìm đến Đức Phật, lúc Ngài sắp vào niết bàn và hỏi, “Bạch Thế Tôn, tất cả các giáo chủ của các đạo, các nhà truyền đạo, ai cũng cho là đạo của mình đúng và là đạo chân thật. Giữa những giáo lý phức tạp như thế thì con biết tin ai?” Đức Phật dạy, “Này Tu Bạt Đà La, con đừng vội tin ai cả, luôn cả giáo pháp của ta, mà hãy lấy pháp nào hợp với chính mình để thực hành, khi nào tự thân chứng nghiệm được có sự an lạc, và không tác hại đến ai thì hãy giữ pháp đó mà tu tập và lấy đó làm niềm tin.” Liền lúc đó Tu Bạc Đà La chứng quả Tu Đà Hoàn và là đệ tử cuối cùng của Đức Phật.
Phương Pháp nào để thực hành và để tin?
Có một số người nghĩ rằng, mình cứ tin theo là đủ. Phật ở trong lòng, chúa ở quanh ta, không cần phải thực tập, công phu, công quả thiền quán gì ráo. Cứ ở nhà làm đủ chuyện, không phân thiện – ác. Những khổ đau chính mình gây ra cho mình và cho cả những người xung quanh cũng chả cần quan tâm, hễ cứ tin Phật, tin Chúa, khi nhắm mắt nghỉ thở là, Phật sẽ rước về Cực Lạc, Chúa sẽ đưa lên Thiên Đàng, là điều nhầm lẫn vô cùng trầm trọng.
Với Đạo Phật, người thực hành công phu thiền quán sẽ mang niềm an lạc cho hành giả. Tuy thế, người mới bắt đầu thực tập thường gặp những khó khăn, như người mới tập lái xe đạp. Lúc mới tập dễ bị trượt té, nhưng cố gắng một thời gian, lâu dần thì ngồi vững trên yên xe. Lái được vài năm sau, thuần thục rồi, không cần cầm ghi-đông, đạp cũng thẳng mà không bị té. Cũng thế, người tập thiền hay tụng kinh, niệm Phật, không ngoài mục đích là để đi đến nhất tâm bất loạn. Thời gian đầu hành giả tụng kinh niệm Phật rất dễ rơi vào vọng niệm. Nhưng một thời gian sau những tạp niệm ấy dần dần biến mất, để nhường sự tĩnh lặng và an lạc cho hành giả. Đó là phương pháp tìm về an lạc trong từng giây phút, là dẹp tan phiền não, đau khổ, và là con đường giải thoát ngay trong hiện tại, và là phép lạ của sự tỉnh thức vậy. Đến lúc lâm chung không bị loạn tâm, không bị phiền não quấy phá, lúc đó mình muốn về cõi Phật hay nước Chúa mới thật sự là tự do chân lý. Còn ngược lại thì chỉ nói suông cho vui, như người đói có sẵn cơm không chịu ăn, chỉ ngồi nói chữ ăn, nhưng bụng thì đói vẫn hoàn đói.
Hôm nay cơn buốt giá của mùa đông cũng đang dần dần giảm xuống, để nhường chỗ cho không khí ấm áp của mùa xuân trỗi dậy, mời quí bạn đọc, chúng ta cùng thực tập đón mùa xuân bằng cách sống chánh niệm, tỉnh thức để đoá tâm xuân được vươn mình lớn dậy và toả hương.
* Theo tài liệu Phan Nguyễn Minh – Làng Văn số 194
Tuệ Minh
(Trích Giai Phẩm Xuân Canh Thìn Chùa Phước Huệ, Năm 2000)