Cảm nghĩ về Phật Đản

Một mùa lễ Phật Đản nữa đang về giữa thời điểm xót xa tang tóc của nhân loại vì dịch bệnh covid và sự biến thể từ loại siêu vi khuẩn này, mà người dân của cả cộng đồng thế giới nói chung và nhất là người dân Ấn Độ đã và đang oằn mình gánh chịu cơn khổ nạn nặng nề hiện nay.

Trong khi mùa Phật Đản 2645 đang diễn ra giữa hoàn cảnh như thế, đối với người con Phật, chúng ta phải tư duy và hành động như thế nào trước vấn nạn này cho khế hợp với ý nghĩa Ngày Phật Đản Sanh?! Câu trả lời rốt ráo nhất vẫn là hãy sống với bằng tư duy tích cực, đó là sự thấy biết đúng đắn, là trở về với gốc nguồn của chánh kiến và tình thương yêu chân thật, là trở về với gốc nguồn của chất liệu từ bi. Và rằng, trước tiên chúng ta phải tự thấu hiểu chính bản tâm của mình, từ đó mọi sự mọi vật bị chồng chéo trên bình diện tương quan tương duyên sẽ được sáng tỏ thì, mối dây nhân và nghiệp quả cũng sẽ được sáng tỏ; để chúng ta dễ dàng hơn trong việc chuyển hoá những khổ đau, phiền muộn hầu mang lại an vui cho bản thân cũng như những người quanh ta, rộng hơn là cho cả xã hội loài người trên tinh cầu này.

Điều quan trọng khác nữa cho tự thân của mỗi Phật tử là, nên đặt lên mình một bổn phận gọi là “Bổn phận của người Phật tử” kể cả xuất gia (xuất sĩ) và tại gia (cư sĩ).

Bổn phận của người Phật tử xuất sĩ,
Song song với việc thực hành thiền quán, hành trì giới luật, còn một trách nhiệm lớn lao nữa đó là phát huy chánh kiến, bạt trừ tà kiến, khai tử tà thuật, biết sống hoà hợp và hoằng dương chánh pháp. Và cho dù ở vào một hoàn cảnh, một xứ sở, một thời điểm khó khăn nào, hoặc một sự cản trở lớn lao nào, chúng ta cũng luôn giữ vững tâm thái định tĩnh, bình thản thẳng bước và vươn lên. Thì, đó là chúng ta đang thực hiện đúng với mục đích bổn phận của một Trưởng tử Như Lai.

Bổn phận của người Phật tử cư sĩ,
Song song với việc thực tập chánh pháp, giữ gìn năm giới căn bản Phật chế cho người Phật tử tại gia. Còn những việc quan trọng khác nữa, đó là hộ pháp, biết nhìn đúng và đi đúng hướng về con đường chánh pháp. Tránh ngã theo phong trào, không vọng ngoại. Biết nhận chân đâu là thật chất của chánh pháp và đâu chỉ là ảo vọng với các ý đồ ma mị, lôi cuốn để lợi dụng lên quần chúng. Biết chỉ ra những con sâu mượn chiếc áo, “mượn đạo tạo đời.” Không a dua theo những phần tử, những thế lực xấu chuyên đánh phá, đả phá Phật Giáo, đả phá sự hoà hợp của Đoàn Thể Tăng cốt chia rẽ Phật Giáo để “nước đục thả câu.” Thì, đó là chúng ta đang thể hiện đúng tư cách của một Phật tử tại gia.

Bổn phận chung cả hai giới: Xuất Sĩ và Cư Sĩ
Chúng ta không nên phân biệt rạch ròi rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoặc đoàn thể Tăng trong nước và các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoặc đoàn thể Tăng ở những nước ngoài. Các giáo hội chỉ là phương tiện cho việc quy tụ chư Tăng ngồi lại với nhau trong sự hoà hợp, để không ngoài mục đích là xiển dương chánh pháp. Tưới tẩm lên những vùng đất tâm khô cằn, là mang hạt giống Phật gieo về những nơi thiếu vắng bóng mát của từ bi và tuệ giác hầu xây dựng một tịnh độ nhân gian mỗi ngày một tươi mới. Tại sao?

Thứ nhất, nếu chư Tăng trong nước không tuỳ duyên, tuỳ hoàn cảnh để hy sinh kể cả sự nhận chịu những lời mỉa mai “sư quốc doanh” của các bậc chân Tăng cho sự sống còn một đoàn thể Tăng thì tìm đâu ra lớp Tăng trẻ, là sức sống của Phật Giáo Việt Nam để kế tục dòng sống của Phật Giáo Việt Nam trong tương lai, cho việc “tre tàn măng mọc” này?!.. Và cho có nơi nương tựa cho quần chúng Phật tử, trong khi bên ngoài lúc nào cũng có những thế lực nhiều tiền lắm của rải ra để mua chuộc và vơ vét linh hồn cho thần linh của họ? Xin ghi chú thêm là: (Ở đây chúng tôi chỉ nói về các bậc chân tu chứ không tính những con sâu trà trộn vào đoàn thể Tăng để mượn chiếc áo hầu tạo mãi các chức danh rất chi là đời vẫn đang nhan nhãn và gây nhức nhối cho cả Giáo Hội ở trong nước.)

Một thí dụ điển hình rất tích cực nổi bật mà chúng tôi có thể nêu ra ở đây, là giới Phật tử miền bắc từ những năm 1990 về trước là chuyên về đồng bóng, cầu xin, và duy trì các tập tục rất chi là mê tín. Nhưng, kể từ sau những năm 1990 trở đi là giới Phật tử này đã và đang thay đổi và chuyển hoá một cách đáng kể, tuy không hoàn toàn hướng tâm về chánh pháp, song điều đó như là sự kỳ diệu và mầu nhiệm của chánh pháp được gieo trải về, kể cả những vùng sâu vùng xa tại các miền trung và miền nam nữa. Và nếu không có sự hy sinh của chư Tăng từ miền trung, miền nam mà ai đó đã gắn cho họ là “sư quốc doanh” ấy thì cho đến nay vẫn đâu vào đấy, mê tín vẫn hoàn mê tín?!… Tại sao chúng ta không học hạnh mà Phật dạy “Cách uống nước nơi dấu chân trâu khi khát nước” thay vì chỉ trích lẫn nhau?!…

Thứ hai, nếu không có các bậc chân Tăng chịu thương chịu khó hy sinh, kể cả việc bị “vơ đủa cả nắm” là hễ chư Tăng ở nước ngoài là bị nhìn với con mắt là thuộc hạng “phản động hoặc là phản quốc.” để hoằng pháp ở các nước thì Phật Giáo Việt Nam không thể bắt rễ ở các nước phương tây được, thế, Phật tử sống ở hải ngoại lấy đâu để hướng tâm về mà nương tựa? Trong khi mỗi ngày vẫn có từ tốp người này đến tốp người khác gõ cửa từng nhà để truyền đạo và yêu cầu đổi đạo. Đến đây chúng tôi cũng xin trang trọng nhắc lại một lần nữa là (cũng thế, chúng tôi chỉ nói về các bậc chân Tăng chứ không tính những con sâu mọt mượn chiếc áo để trục lợi, để tạo mãi những danh hão, tính khí hung hãn rất chi là xã hội đen, tiếp tục dựa vào các thế lực chuyên đánh phá các vị chân tu Phật Giáo để làm mưa làm gió ở hải ngoại.)

Để xác thực hơn, chúng tôi xin phép dẫn chứng từ kinh nghiệm bản thân rằng, trước đây, khi không từ chối nổi sự yêu cầu kể cả những lời năn nỉ thật chân thành của quần chúng Phật tử ở địa phương này, thêm những lời gần như đưa chúng tôi đứng giữa cầu mà đằng sau không có đường thoái lui, và dù trước mặt có thế nào đi nữa thì vẫn phải thẳng tới, đó là: “Nếu quý Thầy không ai chịu lập chùa cho quần chúng Phật tử ở đây quy tụ về thì ắt rằng, quý Phật tử ở đây sẽ đổi qua đạo khác hết.” Nên chúng tôi đành phải thành lập chùa. Nhưng khi bắt đầu thành lập cho đến thời kỳ xây dựng được ngôi Chùa Phước Huệ này, và cho đến bây giờ vẫn tiếp tục bị các thế lực các thành phần quậy phá, vu khống và chụp mũ đủ điều. Song, bù lại vẫn có những niềm vui trong chánh pháp và được quần chúng Phật tử tin tưởng và thương quý để mà “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.” Chúng tôi còn nhớ có lần vào những năm đầu, các em Phật tử nam sau giờ tụng kinh, ngồi uống trà với chúng tôi và tâm sự: “Bạch Thầy, chúng con thật biết ơn Thầy nhiều lắm, nếu không có ngôi chùa, không có Thầy ở đây, giờ này chúng con không biết đã ra sao rồi nữa. Vì tuổi mới lớn, hay nghe theo bạn bè, chơi bời lêu lổng, một số trong chúng con đã từng sai phạm những việc đáng tiếc, may mà từ ngày Thầy lập chùa ở đây, chúng con có nơi về nương tựa, có cơ hội về tụng kinh, thiền tập, và học Phật Pháp, để sửa đổi, để chuyển hoá nên chúng con thật hạnh phúc lắm.” Bởi thời đó các em mới qua Mỹ không lâu, nên ngày đi học tối về chùa ở lại và đều tham gia vào các sinh hoạt của chùa cả. Đó là niềm vui và cũng là niềm an ủi cho giới xuất sĩ mang chí nguyện độ sanh là vậy.

Qua đó, việc đổi mới tư duy là điều cần thiết để tạo thêm năng lượng cho việc tích cực trên công cuộc“ xiển dương Phật Pháp, thiệu long Thánh Chủng” hướng đi về chiều thuận hơn, thay vì bị giới hạn bởi ý thức hệ hoặc bị ảnh hưởng bởi các thế lực ngầm đen tối nào đó mà lệch hướng tư duy. Và đó cũng là bước chân của Đức Bổn Sư Sakya Muni mà mỗi người con Phật cần bước lên để đi về hướng xây dựng một tương lai Phật Đản Sanh cho chính mình và đó cũng là ý nghĩa để nhớ ân Đức Phật.

Tuệ Minh – Thích Phước Toàn
Kỷ niệm mùa Phật Đản 2645, 2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *