Chánh Pháp – Phi Pháp

“Bất tục tức tiên cốt, đa tình thị Phật Tâm”. Tạm hiểu là: Người không còn tục tằn, tục luỵ nữa, ấy là cốt cách của các bậc tiên hiền; và, người có tình thương rộng lớn, bao dung chính là tâm Phật. Con người sống với nhau bằng tình thương, xa rời tình thương, tức đã xa rời bản tâm, là xa rời hạt giống từ bi của Phật. Là Phật tử, dù tại gia hay xuất gia cũng không thể và không nên đánh mất hạt giống của tình thương yêu và sự hiểu biết ấy. Trên đường tu, tuy phương tiện tu tập có khác nhau giữa người Phật tử tại gia và người Phật tử xuất gia, song, chỉ một mục đích, là để phát triển mầm từ bi và tuệ giác mỗi ngày mỗi lớn dậy. Bởi tình thương luôn đi song với sự hiểu biết. Sự hiểu biết sẽ làm cho con người tăng trưởng tình thương, và cũng thế, tình thương sẽ giúp con người có niềm cảm thông và phát triển sự hiểu biết.
Trên chiều hướng đi lên của sự tu tập, là luôn chịu khó học hỏi để phát triển trí tuệ. Bước đầu của người học đạo chắc chắn là phải có nhiều thắc mắc và cần tham vấn. Càng tham vấn, trí tuệ càng sớm khai mở. Mỗi Thầy dẫn đạo đều có mỗi phương pháp dạy học chúng riêng. Có Thầy dạy niệm Phật, tụng kinh, nhưng có Thầy dạy thiền tập, Thầy khác dạy các công án v.v… Phương pháp nào cũng để hướng dẫn hành giả tìm về một con đường, đó là con đường giác ngộ, là các Ngài đều tuỳ căn cơ của học trò mình để dẫn dắt. Lâu dần người học Phật sẽ không còn thấy có những thắc mắc sơ đẳng của buổi ban đầu nữa. Khi tâm thuần thục họ sẽ thấy ra“ Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.
Những thắc mắc là về lĩnh vực đọc tụng kinh, phần nhiều người học Phật cho rằng các bản kinh nghĩa lý sâu xa khó hiểu quá. Thí dụ như: “Chánh pháp còn buông bỏ huống là phi pháp” trong kinh Kim Cương. Hoặc sắc tức là không, không tức là sắc trong Bát Nhã Tinh Yếu chẳng hạn. Trường hợp có những lý giải khác nhau là vì căn cơ và sự hiểu biết không đồng. Nhân nói về Kinh Tinh Yếu Bát Nhã, người viết xin thuật lại câu chuyện “Sắc Sắc, Không Không” để chúng ta cùng chiêm nghiệm. Có một học giả đến gặp vị thiền sư và huyên thuyên, nào là sắc sắc không không, sắc tức là không, không tức là sắc. Vị Thiền sư không hề mở miệng, sẵn cây roi trên vách tường, ông đứng dậy cầm roi quất vào học giả kia mấy quất, vị kia đùng đùng nổi giận lớn tiếng, “Tại sao tôi nói chuyện Phật pháp nghiêm túc với thầy, mà thầy lại đánh tôi?” Thiền sư thong thả, điềm đạm trả lời, “Chứ đạo hữu mới nói là không có đạo hữu, không có cây roi nầy, cũng không có tôi nốt, thì lấy gì đạo hữu bảo là tôi đánh đạo hữu? Lại nữa, đã không tất cả thì sự tức giận của đạo hữu xuất phát từ đâu?“ Vị học giả bấy giờ mới tỉnh thức và bái tạ Thiền sư.
Trở lại Kinh Kim Cang, chúng ta thử đọc tâm tình của cụ Tiên Điền-Nguyễn Du khi đọc bản kinh này.
我 讀金 剛 千 遍 零
其 中 奧 旨 多 不 明
及 到 分 經 石 臺 下
終 知 無 字 是 眞 經
Ngã độc Kim Cang thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh Thạch Đài Hạ
Chung tri vô tự thị chân kinh
Dịch:
Tôi đọc Kim Cang hàng nghìn biến
Nghĩa kinh thâm diệu hiểu không cùng
Khi được đến xem Thạch Đài Hạ
Thì ra vô tự mới chân kinh
Cụ Nguyễn Du tự nhận mình đọc Kinh Kim Cang cả nghìn biến, song nghĩa kinh thâm sâu uyên áo quá, thật khó hiểu. Cho đến khi được đến xem qua “ Phân Kinh Thạch Đài”, là đài xây bằng đá, để ghi lại dấu tích nơi Thái Tử Triều Nhà Lương, là Chiêu Minh dùng để phân tích chú giải kinh Phật. Cụ Nguyễn Du, mới vỡ lẽ, Cụ cho rằng, Thạch Đài này chỉ là một “cưỡng tác giải sự,” nghĩa là phân tích giảng giải một cách gượng ép tuỳ tiện. Từ đó Cụ ngộ ra, kinh không chữ mới đích thật là chân kinh. Và theo thiển nghĩ của người viết thì “Kinh Không Chữ” ở đây là tâm của cụ Tiên Điền đã vượt ra ngoài khung thành chấp tướng, chấp ngã, không còn đối tượng và chủ thể để lý luận nữa, mà phải sống pháp đích thực. Như Huệ Năng, chỉ nghe đến câu: “ 應無所住而生其心 ; Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm “ của một bà già nào đó tụng phẩm Kim Cang, ông liền chứng ngộ. Nghĩa là phát khởi tâm mà không bị vướng mắc vào đâu, không có chủ thể cũng không đối tượng để bám trụ, nên Huệ Năng là người Việt Nam đã trở thành Tổ Thứ 6 thiền tông của Trung Hoa.
Do đó, đối với một người không sống pháp, thì đọc kinh hay học kinh cũng không giúp ích nhiều cho sự giải thoát, và đôi khi chỉ để lý luận suông như câu chuyện “ Sắc Sắc, Không Không” của vị học giả trên kia vậy. Nói thế, không có nghĩa là chúng ta không khuyến tấn Phật tử học Phật Pháp, mà học để xả, để sống với thì đó mới đúng nghĩa của một người học Phật. Như thâm ý của cụ Nguyễn Du là người có hành trì chánh pháp thì đối với pháp là một, nên không còn phân biệt có kinh và chữ trong kinh nữa.
Việc buông bỏ chánh pháp, nghĩa là lúc nào chúng ta đã thực sự đến bến bờ giác ngộ, như người đã qua sông, qua được bờ bên kia rồi thì hãy để thuyền lại, đừng vác theo chi cho nặng. Còn khác hơn, trong khi đang ở giữa biển khổ của cuộc đời, mà buông bỏ chánh pháp, thì chúng ta sẽ chìm lỉm vào lòng biển (đọa lạc), khó mà ngoi lên được. Qua đó, chúng ta có thể ngẫm cái “Bể Thảm” của thi sĩ Đoàn Như Khuê như sau:
” Biển khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Rốt cuộc rồi trong bể thảm thôi”
Ông viết bốn câu thơ trên khi nhìn kiếp người bằng tâm trạng là mỗi người (tâm thức) đều lái một con thuyền (thân xác) ngược xuôi giữa biển đời, cũng chỉ trong bể khổ. Câu đầu, tác giả tả cảnh đời, là con người, mang thân lữ khách, đến rồi đi, nhưng dù đến dù đi, vẫn đang ngụp lặn giữa bể khổ luân hồi của sanh già bệnh chết trong vô định. Và, “chiếc thuyền chơi” ở đây chính là con thuyền chơi vơi chìm nổi giữa sóng gió của biển đời. Nhìn toàn cảnh bài thơ thì phía trước quả là một bức tranh thật bi đát. Song với con mắt của người có một sự thấy biết bằng tuệ giác thì, “Thuyền ngược gió” đó chính là “nghịch lưu.” Tuy cũng cùng bể khổ, nhưng họ đang đi ngược dòng đời, họ biết nhận diện và đối diện để chuyển hoá khổ đau thành niềm an lạc. Nghĩa là họ biết dùng cái khổ đau đó mà chế tác thành niềm an lạc, đấy cũng chính là “Chân lý có sẵn trên từng bước đi, chứ chân lý không nằm cuối đường.” Và là họ đang cố gắng tu tập và vươn lên để vượt ra ngoài biển khổ (vòng tam giới) vậy.
Thế nên, người viết, vẫn tâm nguyện là luôn tự cảnh tỉnh, và luôn nương theo Chánh Pháp, tập xả buông. Dĩ nhiên là luôn ghi nhớ ân đức của Tam Bảo, các bậc Tổ Sư tiền bối, ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân đàn nà tín thí, ân muôn loài chúng sanh mà nuôi ý chí trên con đường tìm về bến giác. Khoá tu học tại chùa vừa qua, trong buổi trà đàm, một Phật tử có nhắc lại hai câu của một vị tiền bối đề tặng cho khoá tu nghe cũng thật chí lý: “Khuyên một người giàu có tu tập là điều không dễ, khuyến khích một kẻ nghèo bố thí lại rất khó”. Cho nên, bên cạnh sự luôn tự cảnh tỉnh đó, người viết thường nguyện, ở những kiếp sau, dù sanh về nơi đâu cũng xin được gặp Phật pháp để nương theo tu tập. Bởi nếu không biết gieo duyên để không may thiếu duyên với Chánh Pháp, thì con đường bất tận của sanh tử cũng thật khó lường. Nhân mùa Xuân đang về, ngưỡng kính chúc Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni đèn tuệ sáng soi, bi tâm rạng toả, nguyện chúc quý thân hữu, các bậc thiện trí thức xa gần thân tâm thường lạc, đồng thành Phật Đạo.
Tuệ Minh-Thích Phước Toàn
Xuân Quí Mùi 2003
Phật Lịch 2547

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *