An Bằng

miền quê mộc mạc

Là thế đó, người An Bằng nói riêng và có lẽ phần nhiều các vùng miền quê nói chung, đời sống mộc mạc, nghĩ sao nói vậy, ít bè phái mà có lẽ chẳng bao giờ mưu mô hiểm hóc. Đặc điểm của người An Bằng là sống rất có tình người, đoàn kết, biết san sẻ, tuy cuộc sống thì “tay làm hàm nhai.” Có những mùa đông lạnh, nhiều gia đình phải chịu bữa đói bữa no, lại vừa thiếu chăn thiếu áo. Nhưng vào vụ mùa sung túc thì họ lại rất “thảo ăn”, nghĩa là họ rất rộng rãi, chia sẻ thức ăn cho bà con xóm giềng, ngay cả những người xa lạ cơ nhỡ.
Đến đây, nếu người viết nhớ không nhầm thì trước năm 1968, dân làng An Bằng có một cuộc sống tuy không giàu có so với các nơi khác, nhưng cũng tạm kha khá, phần nhiều dân làng An Bằng đều xây nhà gạch, lợp ngói đỏ; trong đó nổi bật nhất vẫn là các trường học, đình làng, chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ v.v. Và cũng từ năm đó, bị máy bay phản lực dội bom và ca-nông bắn về từ phía Phú Bài, tan nát cả làng, biết bao người thiệt mạng, song chỉ có một số rất ít dân làng di cư vào Lăng Cô (Làng Cò) và các nơi khác để lập nghiệp, số đông khác vẫn bám trụ và tản mát qua các phường xóm khác trong làng để dựng chòi tiếp tục sinh sống.
Dù nghèo khó, song vẫn giữ được tư cách con người giữa thời buổi ngặt nghèo ấy, qua đó người viết nhớ lại, vào mùa hè đỏ lửa 1972, khi đài phát thanh Huế thông báo là cả tỉnh Quảng Trị bị bom đạn tiêu điều hết, họ rất cần sự giúp đỡ của đồng bào. Thế là, ở đâu xa thì người viết không rõ lắm, nhưng, chắc chắn một điều là cả vùng, hiện giờ là vùng Trung Định Hải, hầu hết ai cũng như nhau, có gì chia sớt nấy. Hễ thấy bất cứ ai vác bao cát đi vào nhà mình là không đợi họ lên tiếng, vào buồng xúc một lon gạo, hoặc một ô nhỏ khoai lang khô trút vào bao cho họ tiếp tục đi nhà khác. Thời đó vào mùa hè, Song Thân và các anh chị lớn đều đi làm cả, chỉ còn hai chị em còn nhỏ, là người chị kế hiện đang ở Úc và người viết, ở nhà giữ nhà và chăm ba em nhỏ sau. Cũng bắt chước Mẹ, hễ ai tới là vào xúc một lon gạo đổ vào bao cho họ đi, một ngày không biết bao nhiêu người vác bao đến. Có lần, chị lớn vào buồng lấy gạo nấu, phải đi ra tay không, nói với Mẹ, “Hết gạo rồi mạ.” Mẹ tròn hai mắt nhìn chị ngạc nhiên, “Chớ mạ mua mấy gánh gạo đổ đầy cả kiệu (lu), mới mấy ngày trước đó mà răng chừ hết mau rứa hè…?!” “Hay là hai đứa ở nhà cho hết rồi à?” Hai chị em tôi gật gật đầu, Mẹ tôi giục chị lớn đến chỗ đại lý bán gạo, mua 2 thúng về đổ vào lu và để kịp nấu cơm tối.
Tựu chung, những năm 1968 đến năm 1975 ở Huế cũng bom đạn giặc giã, chết chóc, tàn phá tơi bời, không thua kém với Quảng Trị là mấy, nhưng chưa bị sự nghèo đói hoành hành và khó khăn như Quảng Trị thời bấy giờ. Sau năm 1975, kinh tế kiệt quệ, hầu như ảnh hưởng dây chuyền khắp cả nước, An Bằng cũng chung số phận đó, còn thêm biển mất mùa thì càng éo le hơn. Phần đông dân làng phải đi lần vào hướng nam, làm thuê, làm mướn kiếm sống hoặc để đổi lấy thực phẩm mang về nuôi gia đình qua ngày. Một số ít khác, phải vác bao xin từng lát khoai lang, khoai mì khô từ các vùng trung-nam Miền Trung (Nam Trung Bộ) để nuôi gia đình. Nên sau này khi người An Bằng ra hải ngoại, thành công trên nhiều lãnh vực và khá giả lên rồi, họ gởi về xây nhà, lăng mộ, trường học, đình làng và làm từ thiện khắp nơi thì lại gặp phải một số giới truyền thông trong nước vin vào thời điểm nghèo đói sau 1975 đó, để đưa lên mặt báo, TV, hoặc các kênh YouTube, cho là “làng An Bằng là làng ăn xin mà nay lại làm nổi”. Tuy thế, người viết vẫn không nghe thấy người An Bằng nào lên tiếng đính chính hoặc phân trần. Ừ thì có sao đâu ? Ngay cả chuyện trong một gia đình của mỗi người thôi mà vẫn chưa hiểu hết, chưa giải quyết xong thì nói gì đến cả một làng khác. Trong khi giới truyền thông, nhất là truyền thông bàn phím ngày nay, có thể là họ chỉ nghe đồn thổi thôi, chứ chưa biết hoặc chưa một lần đặt chân đến đó nữa cũng nên!
Để có cái nhìn tổng quan về đời sống cũng như tâm tình của con dân An Bằng ở hải ngoại, họ đi từ lúc nào và bằng phương tiện gì, mời quý bạn đọc dành chút thời gian để cùng điểm lại tuyến trình gian khổ của họ ra sao.(?) Ngoài một số rất ít, là năm bảy gia đình theo tàu quân đội miền nam qua Mỹ năm 1975, còn lại là vượt biển vào nửa cuối thập niên 80’s và nửa đầu thập niên 90’s bằng những chiếc thuyền nan. (Loại ghe mà đã gắn liền với nghề nghiệp là phương tiện sinh nhai của họ qua bao đời, từ thời theo chân Chúa Nguyễn Hoàng di cư vào.) Nghĩa là trong vòng 10 năm, người An Bằng vượt biển ra hải ngoại khoảng ba phần tư dân số, bằng phương tiện rất bấp bênh so với biển cả mênh mông, nhưng không một chiếc thuyền nào bị chìm hoặc bị mất tích. Còn lại trong làng phần nhiều là lớp người lớn tuổi, các trẻ em và một số đặc biệt muốn trụ lại là để lo cho cha mẹ già theo truyền thống hiếu đạo của người Việt.
Các thế hệ vượt biển đầu, phần nhiều là trung và thanh niên độc thân. Đa phần chủ yếu là định cư tại Mỹ, và số An Bằng định cư tại các nước khác như Canada hoặc Úc Châu v.v.. là từ nửa cuối thập niên 90’s trở lại. Sau này có thêm các chương trình bảo lãnh đoàn tụ, kết hôn, và du học sinh thì An Bằng hải ngoại càng ngày càng tăng dân số. Ngược lại, An Bằng ở quốc nội các thế hệ cha ông đã và đang lần lần chuyển kiếp, và lớp trẻ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư thì nối nhau định cư nước ngoài, nên dân làng càng trở nên thưa thớt.
Thành phần trung và thanh niên độc thân tiên phong vượt biển thời đó, thì lớp trung niên phần nhiều đời sống và nghề nghiệp của họ đều ổn định rất sớm; hoặc làm công nhân cho các công xưởng hoặc tự kinh doanh các ngành tiểu thương. Lớp thanh niên đa số đã thành công trên các lĩnh vực ở học đường để tiến thân và lập nghiệp vào các chuyên ngành như: khoa học, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, luật sư, kỹ sư v.v., song hình như không ai thiết gì về lĩnh vực chính khách thì phải.(?) Đến năm 1995 trở lại, hầu hết những người làm công xưởng đổi qua làm nghề nail, và người An Bằng ở Hoa Kỳ phần đông thích tập trung ở các vùng ấm, đó là Florida. Ngoại trừ một số kỳ cựu ở các vùng lạnh như Colorado, Michigan hoặc Illinois, hay là rải rác một số ít ở các tiểu bang khác.
Nói chung, người An Bằng sống rất gần gũi về cả tinh thần cũng như đời sống thật. Họ quý mến nhau, thương yêu và giúp đỡ cho nhau từ buổi sơ cơ. Vài thí dụ điển hình là, thời vượt biển, ai có khả năng góp vào để sắm sửa nhiên liệu vượt biển thì tuỳ tâm đóng góp, ai không có, chỉ tay không cũng được bước lên thuyền vượt biển, chủ thuyền tự xách ghe mình chở bà con trong làng, trong xóm đi, không đòi hỏi gì hết. Thế nên, nếu không gặp rủi ro bị bắt, thì cả làng ai muốn đi, phần nhiều đều thực hiện được cả. Thứ hai là nghề nail, nail là một nghề đòi hỏi sự khéo tay, vậy mà người An Bằng rất là thành công. Nhờ sự học hỏi lẫn nhau, chỉ dạy nhau, dẫn dắt nhau và rồi một thời gian sau, ai ai cũng có thể tự ra mở tiệm để làm ăn sinh sống là đều được cả.
Và rằng, khi con người sống với nhau, biết trân quý tấm lòng hơn là chuộng hình thức thì, đến với người An Bằng bạn sẽ nhận ra những điểm trên. Có thể, lần đầu bạn sẽ có cảm giác lạc lõng, sự biểu cảm bằng ngôn ngữ thì giọng An Bằng hơi nặng so với giọng thành thị. Vì phần nhiều họ thường dùng từ ngữ địa phương để nói chuyện, nên bạn càng khó hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn kiên nhẫn và chịu khó hòa đồng thì bạn sẽ yêu mến người An Bằng nhiều hơn. Sau cùng, xin mời quý độc giả cùng đọc bài thơ “Đến với An Bằng” dưới đây thay lời kết.
 
Khi bạn đến sẽ nhận ra điểm xuyết
Nụ An Bằng giữa vườn hạnh tình thân
Nghe hương tỏa thơm bay về muôn lối
Cả buồng tim và nhịp thở thật gần
 
Đấy không chỉ mang chung một màu áo
Mà nhận ra giọng nói rất dễ thương
Người ta bảo “giọng An Bằng hơi nặng”
Nhưng chúng ta lại trân quý quê hương
 
An Bằng đó nơi con người chân chất
Tấm lòng thành, mộc mạc mà thiện lương
Từ việc tu, phát tâm làm từ thiện
Không nề hà, quản ngại chẳng vấn vương
 
Dù cách nhau khi đã hẹn là tới
Thiết thân thôi, chẳng cần tiệc tùng chi
Đến với nhau, gần gũi nhau là đủ
Đẹp, vui mừng tròn trịa như trăng khuya
 
Điều đáng nói là tình thương trong đấy
Luôn dắt dìu và đùm bọc lẫn nhau
Dù phía trước có chông gai đến mấy
Vẫn ung dung như nước chảy qua cầu (TM- July 20, 2019).
 
Tuệ Minh
Washington State, January 10, 2021

An Bang: A Rural and Rustic Place An Bang villagers are like most people in rural areas; they live simple lives. There are almost no factions, and, from the outside, there is no intrigue. Regardless of financial difficulty, the An Bang people are very humane, united, and knowledgeable. During cold winters, many families may lack food, clothes, and blankets. Nonetheless, if they have productive seasons, they are very generous, sharing food with neighbors or even strangers. According to the collective An Bang knowledge, most An Bang villagers lived in brick homes with red-tile roofs before 1968. Because the An Bang villagers were quite poor, the most stand-out properties were schools, temples, churches, and shrines. Around 1968, the Vietnam War brought destruction to the village, destroying much of the infrastructure and taking many lives. Of the surviving community, a small number of people migrated to Lang Co (Co Village), while the remaining villagers stayed to rebuild the wreckage. In the Red Fiery Summer of 1972, the Hue Radio Station announced that the province of Quang Tri was bombarded and was in desperate need of help. Despite being poor, the An Bang villagers and the surrounding region now known as Trung Dinh Hai pitched in whatever they could to help. Passersby fleeing from their wartorn homes did even need to speak when approaching homes in An Bang–the An Bang villagers were quick to donate rice or other dried foods to these refugees so that they could continue their journeys. In one specific instance, the writer recalls a day when the adults and older siblings were out working, leaving the writer and his sister, who now resides in Australia, to tend to the house and younger siblings. Several refugees approached the home that day, and when they did, the writer and his sister mimicked what they had seen their mother do. They scooped a can of rice and poured it into each bag as a gesture of empathy and compassion toward the refugees. Later, when the writer’s sister went to get rice to cook, she returned and told her mother, “We are out of rice.” The writer’s mother widened her eyes and looked at her in surprise, “I bought a lot of rice and filled the whole container a few days ago. Did it run out that fast? Did you two give away the rest?” Without scorn or disappointment, the writer’s mother sent the older sister off to buy two baskets of rice to replenish the supply. Like Quang Tri, Hue also suffered from the war with fatalities. And after 1975, a combination of financial plummets brought the An Bang villagers even more struggles. An economic crash strained the entire country. This was compounded by a characteristically unproductive fishing season. Several villagers migrated south out of desperation to feed their families by working as laborers. Others became beggars, traveling to Mid-Central Vietnam and South-Central Vietnam to ask for dried sweet potatoes and dried cassava chips to bring back to their families. The An Bang people were resilient in this time; they continued to forage and toil, and, eventually, they were able to settle abroad and find success. Many of them were able to send money home to family members living in An Bang village to build schools, temples, churches, tombs, and other charity work. The An Bang people became a proud cohort, reveling in their history and progress. Despite this, the media does not portray them in the same light. In newspapers, TV, or currently on YouTube, An Bang Village is painted as a village of superficial beggars that flaunt and showboat. There has been little rebuttal by the An Bang people to challenge this inaccurate protrayal. Rumors have gone undisputed and myths have turned into truths without any factual basis. This highlights the importance of reviewing the incredible refugee journey of the An Bang people. Under communist pressure, the An Bang people fled the country in various means. Some families evacuated with the Southern Vietnamese by military ships in 1975, while most others crossed the sea in the late 1980s and the early 1990s in small bamboo boats. These boats were a part of their daily lives and what they used to migrate to An Bang with Lord Nguyen Hoang. Within 10 years, about three-quarters of the  An Bang population had crossed the sea to settle abroad. The actual journey across the treacherous waters was in itself a tremendous feat, as these small boats were not built to withstand the deep sea. Despite this, not a single boat was sunk or missing. Since the journey was an arduous and dangerous one, those who stayed back in An Bang were the children, the elderly, and those who chose to stay to care for their parents to practice the Vietnamese tradition of filial piety. The first generation that crossed the sea was mostly middle-aged and young single people. Those who traveled in the early 1980s settled in the United States, and some that left in the early 90s settled in other countries such as Canada and Australia. In the United States, many An Bang people have found Florida to be a favorable climate with its tropical weather. Others have settled down in cold-weather states like Colorado, Michigan, or Illinois. Later, more An Bang villagers settled abroad through the Orderly Departure Program, marriage, and international exchange education. Because the An Bang villagers continue to leave the village and settle abroad, the populations abroad continue to grow while the An Bang population in An Bang village becomes less and less. The first wave of the An Bang people who settled abroad generally have stable lives, with careers in factory work or self-employment in small businesses. Several young people found success in school with degrees in many fields such as science, education, doctoral degrees, medical doctors, lawyers, engineers, etc. No An Bang villager who has gone abroad has pursued a degree in politics. Starting in 1995, some people ventured into the nail profession. Much of the success of the An Bang people abroad can be attributed to their connectedness. In general, the An Bang people are generous towards each other and are very well-connected with each other. They love each other, and love to help each other get settled. For instance, in preparing for crossing the sea, if people were financially capable, they contributed money to purchase fuel. Those that weren’t were still able and encouraged to take voyages on the boats. In some cases, the boat owners provided everything and took their relatives and neighbors without asking for anything in return. A more modern example of the An Bang people’s compassion is the nail profession. Doing nails is a profession that requires skill, and many An Bang people have found success in it because individuals in the community are so willing to learn and teach from each other. A large number of An Bang people have even been able to open their own salons and expand their businesses. The An Bang people value the love of An Bang more than anything else. If you mingle with An Bang people, you will experience this firsthand. At first, you might feel lost because of the way they talk. Besides using An Bang idioms, they also have a particularly difficult to decipher accent that isn’t intuitive to the other regional dialects of Vietnamese. However, with some patience, you will find the An Bang people to be quite delightful. “Coming to An Bang” – a poem dedicated to the reader: When you come, you will recognize the beauty The bud of An Bang in the middle of the loved garden The fragrance spreads out all over Which brings the breath closer to the heartbeats It’s not just wearing the same color of shirt It’s also the lovely accent People say, “The An Bang accent is thick” But we cherish our homeland An Bang where people are ingenious, sincere, rustic but have good heart The religious practices lead to an affinity for philanthropy They are undeterred, and unforgettable The love is incomparable, They always guide and support each other No matter how rough the road is Always walking on it just like the water flowing through the bridge. Tuệ Minh Washington State, January 20, 2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *