Phương Trời Không Giới
Lời nói đầu
Nếp lặng lẽ bao giờ cũng sâu lắng và thâm nghiêm. Như những viên ngọc quý giữa vô vàn sỏi đá, tuy bị phủ lên lớp bụi thời gian, nhưng khi đủ duyên để lột trần lớp vỏ bọc thì, bản thường nhiên lấp lánh ẩn tàng bên trong sẽ bừng lên tỏa sáng. Cũng thế, thơ là một trong các thể loại ngôn ngữ, khi gặp đúng đối tượng thưởng thức, thì, có thể tâm hồn của thi nhân lẫn độc giả sẽ bứt phá khung thành của ngôn ngữ, để cùng toả sáng, mà vượt thoát về nơi phương trời không giới nào đó. Thế nên, không ít các bậc “Thiền Tượng” dùng phương pháp “ngôn ngữ Thi Kệ” để thẩm thấu sự chứng đắc của học trò mình; điển hình, câu chuyện của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Thượng Toạ Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh v.v…
Ngoài ra, về phương diện học thuật thì, đời là một bể học, nhưng nếp sống đạo (đạo học), tuy chỉ thâu gồm trong ba từ ‘giới định tuệ’ học, mà lại càng mênh mông bất tận. Và, tam học ấy, chính là phương pháp chuyển thức thành trí, nghĩa là chuyển tiếp sự tướng thành vô tướng, là “Vô Lậu Học.”
“Lối im lặng thâm nghiêm mà bền bỉ
Chờ tiết xuân trỗi vàn lá lên thay
Vùng năng động sắt son đầy huyền bí
Nào ai hay sâu thẳm khí chất cây
(Tiết tấu Loài Cây)
Tuy nhiên, ngôn ngữ trong tuyển tập thơ nhạc này cũng như những thi tập trước, chỉ là sự biểu cảm từ nếp sống thật của tác giả, đã và đang sống, như một con người bình thường, vẫn hít thở chung đụng với sự sống vô thường còn giới hạn bởi làn hơi. Nhưng, may mắn là được sống trong môi trường xanh đạo vị, nên sự biểu cảm và ngôn ngữ diễn đạt vẫn khác với đời thường. Vẫn là sự sống đó, vẫn hít thở không khí ấy, nhưng tâm hồn, còn điều gì sâu lắng bên trong mà đôi khi ngôn ngữ khó có thể lột tả.
“Tư duy xanh thắm ngàn hoa
Ngọc trong lấp lánh ngôi nhà Như Lai
Đức nhẫn nhục khắp trong ngoài
Hạnh khiêm cung thuần, hóa đài tịnh liên”
(Ngọc sáng thường nhiên)
Vậy nên, văn vẻ trong tuyển tập này cũng chỉ là loại ngôn ngữ bình dị, đã được chắc lọc, để xin cống hiến đến những độc giả hữu duyên, bằng cả tâm tư và cách thấy chân thật của chính mình; để chuyển tải chuỗi tâm tư ấy đi vào lòng người, với tâm nguyện, những tâm hồn hữu duyên đó biết trở về sống đạo một cách trọn vẹn hơn.
“Mỗi sớm mai cần làm khi thức dậy
Là nguyện cho khắp thấu triệt sinh linh
Mắt thấy biết chiếu soi cùng pháp giới
Mọi khổ đau chuyển hoán hóa an bình”
(Tu khác không tu ở điểm nào?)
Nhân đây, tác giả chân thành gởi lời cảm niệm các anh chị em nghệ sĩ đã đồng cảm và thường tương tác để chuyển dòng thơ này thành những nhạc phẩm, ca khúc, thi ngâm đầy cảm xúc. Đồng thời, xin cảm niệm quý bạn đọc trên các trang Facebooks cá nhân cũng như trên các trang Pages thuộc Chùa Phước Huệ Tacoma. Nhờ những phản hồi tích cực và những bình luận, tin nhắn yêu cầu đầy tha thiết của quý độc giả nên, dù tác giả có bận nhiều phật sự chăng nữa, cũng ráng dành một khoản thời gian nào đó, thay vì giờ nghỉ ngơi thì để như một sự tri ân cơm áo của đàn na; cũng như, để đáp ứng những tấm thịnh tình của quý bạn đọc bốn phương mà gom thành các thi tập.
“Gá thân bào ảnh phù vân
Xắn đôi tay áo biển trần lội sâu
Trơ gan giữa cuộc bể dâu
Băng ngàn non biển vá khâu độ đời
Xả thân đi giữa kiếp người
Tả tơi sương gió vẫn cười an nhiên…”
(Trường Thiên Cảm Tạ 4)
Và, tác giả cũng xin phép được nhắc lại một đoạn trong Lời Nói Đầu của tuyển tập thơ nhạc Chân Trời Viễn Phương như sau: “Quý độc giả sẽ bắt gặp sự tán thán hoặc ca ngợi một nhân vật, hoặc một bậc đạo hạnh nào trong đấy thì, đó chỉ là thời khắc đã xảy ra trong giai đoạn tác giả từng mục kích, hoặc tiếp xúc mà cảm tác thành. Ngoài ra, cách sống, cách ứng xử của nhân vật ấy, trước hoặc sau thời điểm này thì là chuyện riêng của mỗi vị.”
Lời cuối, xin chân thành cảm niệm tất cả quý ân nhân, quý bạn đọc khắp nơi đã quan tâm thương mến những tâm tư của tác giả được chuyển tải qua những dòng thơ, dòng nhạc, hoặc những lời văn trong các thi tập, bút ký của tác giả. Nguyện chúc tất cả chúng ta bình an từng nhịp sống.
Cẩn bút