LUẬN VỀ SỰ THÂM SÂU CỦA NGƯỜI XƯA & CÁI CẠN CỢT CỦA THỜI NAY NHÂN LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ

Thời nay càng văn minh về vật chất thì lối nhìn, cách thấy của con người càng ngắn, càng nghèo nàn, cho thấy những giả dối giữa đời miễn con người có cách để làm cho quần chúng hưởng ứng, chạy theo tôn thờ hoặc thần tượng hóa, thế là nó mặc nhiên lên ngôi mà không cần vượt qua những thử thách hoặc một cuộc trắc nghiệm xác thật nào. Trong khi cách nhìn và thấy của người xưa không hề đơn thuần và không cho phép họ sơ hở về sự thấy biết một cách sơ đẳng đó, ngược lại họ thật sâu sắc, thâm trầm đến kỳ bí như câu chuyện về Khổng Tử và người học trò của ông là một ví dụ:

Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo lý của thầy. Tử Cống thấy vậy hỏi thầy mình:

– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không ạ?

Khổng Tử không cần suy nghĩ đáp:

– Không sao.

Lại hỏi tiếp:

– Làm tướng có được không?

Khổng Tử cũng vuốt râu đáp:

– Được.

Lại hỏi tiếp:

– Thế nhỡ về làm giặc?

Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:

– Cũng không hại gì.

Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng:

– Nghe nói Mỗ xin về nước chỉ để làm thầy!

Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật bắn người. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp cài khuy, vội vàng lao ra cổng chạy hớt hải. Học trò chạy theo hỏi: “Thầy chạy đi đâu mà vội thế ạ?”. Khổng Tử vừa chạy vừa đáp:

– Sang ngay nước Đằng.

Học trò lại hỏi: “Thầy sang nước Đằng để làm gì ạ?”.

Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:

– Sang ngăn không cho tên Mỗ làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ…”

Thế còn lời của Đức Phật?

Trong bài kinh Ngài dạy cho dân làng Kamala

Lần đó, đức Phật ngang qua bộ lạc của người Kalama. Nghe danh tiếng của Phật, người dân bộ lạc này tìm đến đảnh lễ và hỏi Phật:

– Có một số đạo sư khác ngang qua đây, người nào cũng nói là làm sáng tỏ, và tự ca tụng quan điểm của chính mình, nhưng lại bài xích, khinh miệt, chê bai, và xuyên tạc quan điểm người khác. Đối với họ, chúng con có những nghi ngờ và phân vân, trong những vị đạo sư này, bạch Đức Thế Tôn, ai nói sự thật và ai là kẻ dối gạt?

Phật dạy:

Trường hợp như thế, đương nhiên là các người có những nghi ngờ và phân vân là phải!

Này các người, các vị đừng tin một điều gì vì văn phong.

Đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền.

Đừng tin một điều gì vì được nhiều người tin và nhắc đi nhắc lại.

Đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân.

Đừng tin một điều gì vì đó là tập tục đã có từ lâu.

Đừng tin một điều gì do chính các vị tưởng tượng và lại nghĩ rằng do một thần linh nào đó khai thị hay mặc khải cho các vị.

Đừng tin một điều gì vì đó là do các thầy có uy tín dạy.

Nhưng này các vị, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau:

Các việc này là bất thiện; các việc này là đáng chê trách; các việc này bị các người có tuệ giác chỉ trích; các việc này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau cho chính bản thân và mọi người, thời này các vị, hãy từ bỏ chúng!

Và ngược lại, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau:

Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc cho chính bản thân và cho những người xung quanh, hoặc cho cả xã hội, thời này các vị, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc cho mình, cho những người xung quanh và cho cả xã hội! (trích Nghi Thức Tụng Niệm-CPH)

Và Đức Phật dạy như thế nào để xác minh sự chứng đắc của người khác?

Một lần khi vua Bimbisara vừa đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ông thấy có năm tu sĩ của phái Loã Thể ngang qua, vua xin phép Đức Phật đi về phía các vị kia đảnh lễ xong, trở lại bạch với Phật.

-Bạch Đức Thế Tôn, với tuệ nhãn của Phật, Ngài đã thấy ai trong năm vị này chứng quả A-la-hán chưa?

-Này đại vương, đại vương muốn biết ai là người đã chứng đạo, đại vương hãy cần có thời gian đủ để gần gũi với người ấy, để nhận biết qua cách ứng xử, cách sống, và nhất là sự thấy biết sâu xa hay chỉ là hời hợt của vị đó, đại vương mới có thể biết được là người đó đã chứng đắc thế nào. Đại vương không nên dựa vào lời đồn đoán của ai đó không có cơ sở mà cho đó là thực.

Qua hai bài kinh trên ta thấy ra điều gì? Ta sẽ thấy ra thời nay ai già miệng thì người đó hơn, người đó thắng. Bất luận đúng sai, cứ ném cho đối phương một câu, “Phật tử mà sân si” hoặc “tu mà sân si.” Do đó bất kỳ ai muốn bày tỏ quan điểm riêng của mình thì cũng kể như “xong phim,” chỉ bằng cú ném đó. Hầu như đó là vũ khí sát thương độc nhất vô nhị của những kẻ tự cho mình cái quyền nói mà không được phản bác, và cái quyền quyết định mà người khác, kể cả những nạn nhân cũng không được và không thể lên tiếng biện minh cho cái đúng hoặc sự thực phũ phàng kia?!… Con người sống vào thời đại tự do, nhưng chẳng thể tự do, ngay cả ở thế giới tự do nhất trên tinh cầu này.

Chuyện quần chúng bị cuốn theo phong trào vì họ không biết nhân, không biết quả là gì thì không có gì đáng trách, và ngay cả những người tự cho mình là trí thức cũng không cần bàn đến nơi đây, nhưng, với lớp trí thức thực sự, hoặc những người đang mang trên mình một sứ mệnh là “đầu tròn áo vuông” nghĩa là đi làm cái công việc “bố ma, phá ác và xiển dương Chánh Pháp” mà cũng bị cuốn hút vào cái “khung” của phong trào hoặc cuồng si ấy nữa mới là điều đáng nói, đáng trách. Than ôi!…

Tuệ Minh – Thích Phước Toàn
July 4, 2024

LUẬN VỀ SỰ THÂM SÂU CỦA NGƯỜI XƯA & CÁI CẠN CỢT CỦA THỜI NAY NHÂN LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ LUẬN VỀ SỰ THÂM SÂU CỦA NGƯỜI XƯA & CÁI CẠN CỢT CỦA THỜI NAY NHÂN LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *