Mai vàng vị Tết

“Văn hóa là cột sống của dân tộc, và là nền tảng nâng đỡ cho những người con xa quê khỏi bị ngã gục trước gánh nặng của trách nhiệm và trước những cám dỗ tha hóa của vật chất. Họ có thể đứng thẳng người lên để ngắm giang sơn gấm vóc và nhớ thương quê hương diệu vợi. Mà, quê hương đó là câu hò của mẹ, là nét nghiêm túc của cha, là lời dạy của thầy, và là nhiều thứ nữa.”(LMT)
Thảo nào nhà nghiên cứu văn hoá, sử học, nhà Phật học uyên bác, Lê Mạnh Thát, thay vì thường thì người ta, “áo mão xênh xang về làng”, ông bỏ hết các bằng cấp tiến sĩ vào một xó, vừa đạp chân trở lại trên đất Việt, nghe được nơi đâu còn lưu lại dấu tích, di tích lịch sử cổ đại, cổ thư về văn hóa gốc gác truyền thống Việt Nam, văn hóa Phật Giáo Việt Nam là ông chẳng ngại ngần gian khổ, khó khăn, băng ngàn lội suối, tìm tòi, dịch thuật, nghiên cứu, phân tích làm sáng tỏ những di tích văn hoá cả vật thể lẫn phi vật thể ấy, hầu làm giàu cho văn hoá nước nhà, và chứng minh cho thế giới biết là nền văn hoá xuất sắc này đều có gốc gác và dấu tích của con người Việt. Và cũng để đóng góp cho cả văn hoá Phật Giáo thế giới nữa. Trong khi người con Việt mới di cư ra nước ngoài chỉ khoảng năm thập kỷ, nói cho đúng, việc sinh hoạt thành cộng đồng người Việt thì cũng chỉ mới khoảng ba bốn thập kỷ trở lại là cùng. Nhưng, hình như ta không biết quý trọng nếp văn hoá thiêng liêng của Việt Tộc nên, các thế hệ con em thứ ba, thứ tư của ta chừng như chẳng quan tâm gì đến tiếng Việt, đến văn hoá Việt Nam, mà quên luôn tiếng mẹ đẻ…?!
Điều này có phải là vì các thế hệ đi trước, thay vì lo xây dựng bồi đắp cho con em của ta, ta lại dành thời gian nhân danh này, nhân danh nọ để chống báng lẫn nhau, đó có phải là ta đã thất trách trong bổn phận giữ gìn văn hoá Việt không?!… Bởi “Tiếng Việt còn thì văn hoá và người Việt Nam sẽ vẫn sống mãi…dù ở hoàn cảnh nào và ngay cả bất kỳ trên một quốc gia nào v.v…” Thế nên, mai vàng cũng đã là một dấu tích quan trọng góp phần đi vào mốc lịch sử Việt ở hải ngoại! Mời quý bạn đọc thưởng thức thi phẩm MAI VÀNG VỊ TẾT.
Nào ai biết những cánh mai hiếm thấy
Khi xứ người anh đào nở khắp nơi
Để tìm lại vị quê hương trong đấy
Sắc mai vàng, một điệu hát không lời
Vẫn dưa mứt, bánh chưng xanh, bánh tét
Câu đối nào như chắp cánh xa khơi
Thay én lượn đôi khi rơi bông tuyết
Cũng bay bay thấp thoáng ở ven trời
Nghe hơi lạ nhưng là chuyện có thật
Mang tâm tư hương vị Phật yêu thương
Dưới mái chùa khắp tình người con Việt
Trải lòng cùng dân bản địa Tây Phương
Họ biết Tết nên thắp nhang trịnh trọng
Giữ trang nghiêm hướng lễ Phật dâng hương
Bằng hiểu biết sâu xa không mê tín
Mà hân hoan niềm hạnh phúc chân thường
Nên, mai vàng là tâm tình Tết Việt
Ghi bước chân những thế hệ lưu phương
Là dấu mốc để con em ta thấy
Tình quê hương liền trong máu trong xương
Và nhắc nhở chung khắp cùng người Việt
Mai vàng là nét đẹp của quê hương…!
Chú thích:
Lời phi lộ của bài thơ trên không phải là để tôn vinh ngài Lê Mạnh Thát, mà để dẫn chứng rằng, bằng biếu chẳng là gì, chỉ thực học, thực tâm, thực tài và ý chí mới đem lại kết quả giá trị phi thường cho đời. Và hình ảnh mai vàng là nói về dấu tích văn hóa Việt, đồng thời để khuyến tấn hàng lớp các thế hệ đi sau biết mà trân quý, nhớ mà cảnh giác. Trong khi hiện tại bên nách ta là một thế lực mạnh gấp trăm lần về cả quân lực, tài khí và thế chiến lược. Do đó nếu ta không vững vàng, không đoàn kết ắt sẽ… Và Mai Vàng ở hải ngoại là để nhắc nhở cho chính ta, con em ta lớn lên đừng để mất gốc gác. Vì, hễ khi đã mất gốc thì là kẻ vong bản.
Tuệ Minh – Thích Phước Toàn
Tết Giáp Thìn, 2024
Mai vàng vị Tết - Tuệ Minh - Thích Phước Toàn
Mai vàng vị Tết – Tuệ Minh – Thích Phước Toàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *