Vấn Đề Y Kinh và Ly Kinh
Kinh điển Phật thuyết như “ngón tay chỉ mặt trăng” hay như “thuyền đưa người qua sông”. Ngón tay không phải là mặt trăng, thuyền không phải là bờ bên kia, chấp vào ngón tay hay ngồi ôm mãi thuyền thì chẳng bao giờ thấy được mặt trăng hay đến được bờ bên kia. Cũng vậy, học Phật, tu Phật mà chấp chặt vào lời kinh, “Y kinh”, từng câu từng chữ, cho lời kinh là chân lý rồi cứ ngày ngày tụng đọc không thôi. Mê kinh như vậy thì chỉ là “mài gạch để mong thành gương, nấu cát để mong thành cơm” chẳng bao giờ thấy được chân lý. Nhưng nếu rời bỏ ngón tay hay bỏ thuyền, là rời xa lời Phật dạy, “Ly kinh nhất tự”, thì lại chẳng bao giờ thấy được mặt trăng hay sang tới được bờ bên kia (đáo bỉ ngạn), là chẳng bao giờ thấy được chân lý mà chỉ quanh quẩn trong vòng “ma thuyết”. Khi nhận ra được lời kinh là phương tiện đưa đến chân lý, chứ kinh không phải là chân lý, đó là kim chỉ nam của người tu Phật, học Phật. Ngược lại, nếu cho kinh là chân lý thì chẳng phải là “oan ba đời chư Phật” đó sao? Tuy nhiên, cũng nên biết, ngôn ngữ chỉ là phương tiện rất giới hạn, song bỏ phương tiện thì không thể đạt đến chân lý. Do đó, Tổ Huệ Năng bảo Ngài Pháp Hoa “Kinh có tội gì mà không đọc!”. Nhưng, đừng nô lệ vào lời, vào chữ.
Phật Giáo Đại Thừa sinh hoạt có phần khác với thời Đức Phật. Vậy có phải là ly kinh không?
“Phật Giáo đến đâu đều có thể tuỳ duyên, tuỳ hoàn cảnh mà dung hoà với nếp sống của dân tộc địa phương, tôn trọng những phong tục ở các dân tộc đó. Nhờ thế, Phật Giáo phát triển đã dễ dàng lại khỏi gặp những phản ứng bất cập. Hơn nữa, nhờ tính dung hoà đó mới có thể dẫn dắt những Phật tử sơ cơ tìm về đạo”, các bậc Thiền Đức thường dạy thế. Vậy, chắc là tu sĩ khó có thể giữ được những khuôn phép nguyên thủy của thời Đức Phật trong khi hành hoạt khắp nơi ? Vì thời Đức Phật còn tại thế, Ngài dạy Chư Tăng tam thường bất túc (Ăn, mặc và ngủ không được sung túc). Ba y và bình bát lên đường hoá duyên độ sanh, bá tánh cúng dường thức ăn gì đều nhận, nhưng phải “tam tịnh nhục” (thức ăn đó không chính mắt mình thấy người giết thịt, không nghe tiếng kêu khi bị giết và biết chắc không vì sự cúng dường cho mình mà người khác giết con vật đó), tối về tìm gốc cây tọa thiền và ngủ nghỉ. Đáp lại, Chư Tăng có bổn phận đem giáo pháp của Phật hướng dẫn bá tánh biết sống trong tình thương yêu và sự tỉnh thức để hoàn thiện đời sống.
“Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Thuyết pháp độ Xuân thu”
Dịch:
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Trên dòng sanh tử đó
Nói pháp dẫn đường qua
Từ khi Phật Giáo truyền qua Trung Hoa, ở đó Chư Tăng không thể đi khất thực bên ngoài, mà phải tuân thủ luật lệ của nước nầy. Vào đời nhà Hán, Hán Minh Đế (1), thỉnh hai vị Tăng từ Thiên Trúc sang, chưa có chỗ ở, vua dùng Hồng Lâu Tự làm chỗ ở cho hai vị. Từ đó các Tăng Sĩ từ Thiên Trúc đến hoằng pháp, nhà nước dùng những trạm kính gác gọi là Tự ( ), tức là nhà quan, cấp cho chư Tăng ở. Luật bất thành văn, hễ chư Tăng trú tại đâu, nơi đó đều có bàn thờ, kinh sách để hành trì các khoá thường nhật theo nếp sống của Tăng Sĩ. Từ đó những nơi trú ngụ của Tăng Sĩ Phật Giáo đều trở thành những Thiền Tự, nghĩa là cửa Thiền, lức là cửa Phật. Y phục được đổi lại bận theo phong tục đơn giản nhất của người Hoa lúc bấy giờ như: Áo tràng nâu, áo tràng lam và Nhật bình là những y phục hàng ngày, hoặc hậu vàng để đắp y khi hành lễ của quí Thầy Bắc Tông bây giờ vậy. Việc ăn uống Chư Tăng tự sửa soạn lấy, không còn đi khất thực như ở bên Thiên Trúc (Ấn Độ) nữa. Là con Phật, xuất gia cũng như tại gia, giới sát sanh làm đầu, nhất là với tu sĩ, nên tiện nhất là ăn chay, tự tay quí Thầy trồng tỉa rau trái để ăn. Từ đó giới cấm Chư Tăng không được đào đất, cắt cây và cuộc sống ba y, một bình bát không thể duy trì, mà phải tuỳ duyên, tuỳ thuận tu tập và hành đạo. Điều đó phải là một sự mới mẻ đối với Chư Tăng và con đường phát triển Chánh Pháp vậy. Trong khi, không đi khất thực bên ngoài thì được dùng chay tinh khiết. Trước là thể hiện tâm từ không ăn thịt chúng sanh, kế đó là để hướng dẫn cho Phật tử phát triển con đường tâm linh bằng đạo lý từ tâm ấy, và cũng để bảo vệ phần nào mạng sống cho loài động vật.
Người viết nhớ khoảng năm 1984-1985, có một vị Sư, hiện ở bang Taxas, ghé thăm Colorado – Denver, Sư có kể là khi ở bên trại, được Mỹ phỏng vấn về việc định cư. Họ hỏi Sư nghề nghiệp, Sư trả lời là “Beggar”, là Sư dịch từ Khất Sĩ ra. Người Mỹ phỏng vấn xếp hồ sơ lại và bảo, “Nước tôi không có người ăn xin, ông muốn ăn xin thì về lại nước ông mà ăn xin”. Sau phải nhờ sự can thiệp của một vị khác am hiểu về Phật Giáo, Sư mới được tái cứu xét. Điểm này cho chúng ta thấy, việc tu tập cần phải tuỳ duyên, tuỳ hoàn cảnh xã hội đương thời để hội nhập và phát triển, như thế đạo Phật mới thăng hoa. Giả như, một tu sĩ từ miền nóng mới tới ở vùng lạnh để hoằng dương Phật Pháp, song vẫn cố giữ hình thức ba y, một bình bát, thì mùa đông, khi khí lạnh xuống dưới độ trừ (drop below) khoảng -10, -20, -30 độ F. Không biết hành giả ấy có thể giữ được cái mạng vô thường được mấy tiếng đồng hồ để vượt bờ sanh tử, khoan nói tới việc hoằng pháp lợi sanh. Nói cách khác, sự thích ứng cho cơ thể của con người còn tuỳ theo người ấy đã sinh trưởng tại vùng lạnh hay xứ nóng, nhưng nếu vẫn một mực giữ ba y bình bát, đêm ngủ dưới gốc cây không thể thay đổi. Hành giả không chịu nổi sức lạnh và vong mạng, chính quyền truy xét nguyên do, họ sẽ cho rằng Tăng sĩ Phật Giáo cố chấp và mê tín, như vậy mới là điều “oan chư Phật ba đời” đấy. Chưa kể đến những nơi mà con người ở đó không hiểu biết truyền thống khất thực của chư Tăng, họ sẽ gọi cảnh sát hoặc có thể sẽ xảy ra những điều đáng tiếc khác. Nhưng nếu nói, cần truyền bá lời Phật dạy đến cho mọi người thì ở vào thời đại truyền thông điện tử nầy cũng không thấy có trở ngại.
Trường hợp khác, một lần trong buổi trà đàm, có vị Thầy thuật lại câu chuyện của một Thầy du học bên Nhật trước 1975. Thầy vào chùa Nhật xin tạm trú để đi học. Mỗi sáng sớm chư Tăng đều lên thiền đường tọa thiền, ngoài trời tuyết lạnh, bên trong không có sưởi (heat), vị Thầy người Việt chưa thích ứng được khí lạnh ở đất Nhật, nên không chịu nổi và không thể theo chúng trong các khoá thường nhật. Vào một buổi sáng, Thầy trú trì chùa Nhật chuẩn bị một bữa ăn sáng rất đặc biệt. Cho mời Thầy xuống dùng, khi dùng xong, Thầy trú trì nhắc khéo Thầy người Việt là, tu sĩ thọ dụng của đàn na tín thí thì phải tinh tấn để khỏi nợ cơm áo. Thấy vậy, Thầy cảm thấy áy náy, dù đang mắc bệnh, nhưng vẫn phải cố gắng tuân thủ các thời khoá của Tăng chúng trong chùa. Sau chịu không nổi khí lạnh khắc nghiệt mùa đông ở đó, Thầy xin trở về lại Việt Nam và phát bệnh xuất huyết mà qua đời. Trường hợp này chúng ta có thể thấy rõ là Thầy trú trì đã không sinh trưởng ở xứ nóng như Việt Nam. Và có lẽ chưa bao giờ ngài đến Việt Nam, nên ngài chưa hiểu được sự khó khăn mà cơ thể của con người từ xứ nóng đến vùng lạnh, và từ vùng lạnh sang xứ nóng như thế nào. Ngài chỉ nghĩ rằng Thầy ấy không tinh tấn, đó là nguyên do đã đưa đến một chuyện thương tâm rất đáng tiếc như trên. Nhân đây người viết xin nói thêm một điều, ngay cả thực vật, khi chúng ta mang một loại cây từ miền nhiệt đới, đến trồng ở vùng lạnh, nếu không có phương pháp như nhà kiếng, tẩm thuốc, hoặc cho thời gian để thích ứng với khí hậu thì cây cũng sẽ chết, và cây từ vùng lạnh mang đến xứ nóng thì cũng phải làm ngược lại. Do vậy, Đức Phật khuyên người tu Phật hãy tuỳ duyên, tuỳ hoàn cảnh, nghĩa là cần phải tìm hiểu những khó khăn của những người xung quanh, hầu thông cảm, giúp đỡ và hướng dẫn họ. Đó là phương pháp trợ duyên cho họ có cơ hội chuyển hoá, nhờ vậy người tu Phật mới được thăng hoa cả tinh thần lẫn thể chất, còn gọi là “Pháp hoà đồng tu” chứ không phải là “lìa kinh”.
Về việc tụng niệm ở các chùa kể cả các thời khoá hành trì cho Phật tử tại gia cũng phát sanh nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, “Tụng kinh không cần hiểu nghĩa, mà tụng âm Hán thì nghe hay và linh hơn”. Lại có ý kiến khác, “Tụng kinh phải hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh mới dễ thâm nhập được. Nếu không, đọc tụng kinh chỉ như đọc chú. Hoặc muốn linh, sao không dùng Phạn ngữ để tụng thì chắc là linh hơn”. Một lý luận khác, “Như một ca sĩ ca một bản nhạc, khi thú vị với ý nghĩa thâm trầm của nhạc phẩm thì tâm hồn của người ca hoà lẫn vào và sẽ tỏa ra một âm hưởng tuyệt vời mà người thưởng thức cùng cảm nhận được. Cũng thế, khi người tụng kinh hiểu được nghĩa lý của kinh thì toát ra âm hưởng rất thiền vị, làm cho người nghe kinh cũng cảm nhận được âm hưởng thiền vị đó mà vơi bớt một phần phiền muộn trong cuộc đời. Ngược lại, tụng kinh không hiểu nghĩa thì như ca sĩ chỉ biết hát mà không thể nhập tâm vào âm nhạc.” Ba ý kiến trên, người viết chỉ ghi lại, không dám lạm bàn, mong sự chỉ dạy của chư Tôn Thiền Đức cũng như các bậc thiện trí thức quan tâm tới việc phát huy Phật Pháp.
Kinh Phật dịch ra có mất đi sự huyền bí và linh thiêng không? Vậy có ly kinh không?
Khi đã hiểu ra được rằng, “Pháp Phật là ngón tay chỉ mặt trăng, là chiếc bè qua sông. Người học Phật không nên chỉ chấp chặt ở văn tự, mà cần phải hiểu lý nghĩa sâu xa của kinh.” Thế thì, kinh Phật phải cần được chuyển dịch qua nhiều ngôn ngữ khác nhau để đáp ứng nhu cầu cho việc tu Phật và học Phật của quần chúng Phật tử khắp nơi là điều bức thiết. Vì đối với quần chúng Phật tử bất cứ nước nào cũng rất ít người thông thạo ngoại ngữ, nhất là đối với các ngôn ngữ như Sanskrit, Pali và Hán tự. Do đó sự chuyển dịch kinh văn là không thể thiếu, song việc đòi hỏi sự chuyển ngữ cho thật chính xác về từ ngữ cũng là điều rất khó, chưa nói đến lối hành văn của mỗi dịch giả cũng có phần khác nhau.
Người viết thử đưa một ví dụ ngoài kinh điển, là cách sử dụng từ ngữ ở từng ngôn ngữ có thể khác nhau như trường hợp: Khi đi bộ giữa đường, đoạn đường hay hành lang (sidewalk) bị hư đang sửa v.v… Người Việt thì đặt một tấm bảng bằng hai chữ “Cẩn Thận” người Hoa thường đọc là “Xéo xìn” phiên âm bằng Hán Việt là “Tiểu tâm” nếu dịch từng chữ thì chữ Tiểu là Nhỏ và chữ Tâm là cái Tâm, nhưng nếu người Việt Nam mà dùng từ Tiểu Tâm này để ví nhau thì nghĩa khác hẳn, nó đồng nghĩa với hiểm ác, ấu trĩ, ích kỷ. Với người Tây Phương dùng Anh ngữ là “Caution” từ Caution, theo từ điển Anh Việt (2) nghĩa là Cảnh Báo. Nhưng từ cảnh báo nầy theo Hán Việt Từ Điển (3), nghĩa là “ báo cho việc đáng lo”. Còn theo từ điển Tiếng Việt (4) thì đồng nghĩa với từ Báo Động. Cũng theo từ điển đó thì từ Báo Động nghĩa là “báo cho biết có sự nguy hiểm hoặc điều không hay xảy ra để sẵn sàng ứng phó”. Nhưng rõ ràng có gì đâu để phải sẵn sàng ứng phó. Chỉ một dấu hiệu mà cách dùng từ cả ba ngôn ngữ đã khác nhau như thế, cho nên Thầy tổ của chúng ta dịch kinh đều dịch cái nghĩa lý thâm sâu của kinh, nên không bị kẹt vào từ ngữ. Đừng nói gì mỗi ngôn ngữ, ngay cả chỉ một từ TAM BẢO, các dịch giả dịch sang tiếng Anh dùng từ cũng đã khác như, A PRE – CIOUS JEWEL (5) hay THREE GEMS (6), hoặc THREE JEWS (6 & 7).
Cũng vậy, đôi khi một bản kinh gốc từ Pali hay Sanskrit dịch qua Hán ngữ mà hai bản dịch của hai vị, tuy cùng một nghĩa kinh, song về lối hành văn thì chắc chắn đã có phần khác nhau. Ở đây tôi chỉ xin đơn cử một bản kinh, bài kinh bất cứ thời khoá lễ nào trong thiền môn Bắc Tông Phật Giáo Việt Nam cũng đều có đọc tụng, ai thường đọc tụng, có lẽ là không ai không thuộc nằm lòng, đó là bài Tâm Kinh Bát Nhã. Theo từ điển Phật Học Hán Việt (8) thì có nhiều bản dịch và nhiều bản chú sớ khác nhau, nhưng hai bản được dùng đến để đọc tụng là bản của Ngài La Thập dịch (Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh) và bản khác là của Ngài Huyền Trang dịch (Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh). Kinh nầy được cô đọng lại những điểm chính yếu là tinh tuý, cốt lõi từ bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, gồm 27 quyển, nên gọi là Tâm Kinh Bát Nhã. Chỉ với Tựa Kinh của bản kinh này, ngài La Thập có chữ Ma Ha, nhưng ngài Huyền Trang thì không.
Bản kinh này nguyên bản âm Hán Việt mà các chùa thường tụng gồm có 270 chữ. Việt dịch thì có nhiều bản khác nhau của nhiều dịch giả, song hai bản dưới đây khá phổ biến. Theo bản dịch Việt Ngữ của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh là (Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa) thì có đến 335 chữ (9), chưa tính những từ trong cả câu thần chú nguyên tiếng Sanskrit như Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhisvaha Một chữ mà phiên âm Hán Việt ra thì thành 2, 4 hoặc 5 chữ nữa. Một bản khác của Hoà Thượng Thích Trí Quang dịch là ( Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh) (10) là đúng 270 chữ. Có điều đáng chú ý là cả 2 bản đều không dùng đến từ Ma Ha như trong bản Hán âm của cuốn Thiền Môn Nhật Tụng dùng xưa nay. Với tôi thì bản dịch của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh tuy nhiều chữ hơn bản Hán tự đến mấy chục chữ, song lời văn nhẹ nhàng trong sáng, rất dễ tụng và dể hiểu thì làm sao gọi là “Ly Kinh” được.
Lạm danh Phật, Bồ Tát để có chủ ý riêng, có phải là Ma Thuyết không? Có Oan Phật không?
Theo thiển nghĩ của người viết thì hai câu “Y kinh diễn nghĩa oan Phật ba đời, lìa kinh một chữ như là ma thuyết” cũng như câu “Tám vạn bốn ngàn pháp môn tu”, hay là “ trong một ly nước có tám vạn bốn ngàn con vi trùng,” hoặc “ trong cơ thể con người có tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông.” Đều là những câu nói có tính ước lệ. Hành trì kinh Phật như đã phân tích rõ ở phần đầu. Mặt khác hai câu nầy để cảnh giác những Phật tử nhẹ dạ dễ tin hoặc để cảnh giác những người lạm dụng danh nghĩa hay danh từ nhà Phật vậy. Vì, bất cứ một đạo gì, họ mượn danh từ Phật, Bồ Tát vào trong đó để lôi kéo Phật tử, là Phật tử cũng nghe và chạy theo mà không chịu nhận chân cho rõ. Điển hình nhất là hiện tượng Đạo Thanh Hải, lạm dụng Pháp Môn Niệm Quan Âm. Theo hai tác giả Trần Trung Nguyên và Nguyên Hồng của hai bài viết về Hiện Tượng Đạo Thanh Hải (11), thì bà này tung hoành đã mười mấy năm qua. Lúc ban đầu bà dùng đến danh Phật, Bồ Tát và an chay để chiêu dụ những người thiếu hiểu biết theo bà, hoặc dùng tiền bạc để mua chuộc. Sau khi bà ta mê hoặc được những người đi theo bà, thì bà bảo là không cần niệm Quan Âm nữa, chỉ cần niệm Thanh Hải Vô Thượng Sư là sư phụ ứng ngay. Bà còn bảo khi bà ứng để truyền “tâm ấn” rồi thì đã thành Phật rồi, không cần thờ Phật, thờ tổ tiên nữa. Bà bắt dẹp bỏ hết bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên ông bà, rồi bà dùng kinh Thánh để ráo giảng cho những người theo bà. Những ý đồ và hành động này làm cho nhiều gia đình người theo bà, kẻ tin bà, người không tin thù ghét nhau. Con không nhìn mặt cha, mẹ không nhìn mặt con, anh em gây gổ, ẩu đả nhau. Điểm nguy hại nhất là những người đã theo bà, sau khi hiểu ra sự thực, họ bỏ không theo bà nữa là tay chân của bà đến bỏ thuốc để diệt trừ những người bất tín bà, không giữ lời thề với bà. (Xin tìm đọc 2 bài của 2 tác giả trên để biết rõ thêm.)
Những hiện tượng khác thấy có xuất hiện rất nhiều sự bàn luận trên nhiều trang wed từ mấy năm trước như trang web Hoa Sen (12) hoặc các trang web khác về đạo Xuất Hồn xuống thăm địa ngục, lên thăm các cõi trời, du hành qua Tây Phương Cực Lạc v.v. Hoặc có người mượn danh nghĩa nhà Phật để Truyền Điện và thâu nhận đệ tử chẳng hạn, thì đó là những cái vớ vẩn mượn danh Phật, Bồ Tát để tạo quyền lợi cho cá nhân. Chưa kể đến những hiện tượng như lạm danh thầy tu để đi đâu cũng bỏ bùa bỏ ngải, đi đâu cũng thấy cô hồn và khoe bắt cô hồn cho người khác, hoặc có người mượn lời của Phật, của Tổ để truyền tâm ấn, quy y, truyền điện hay chữa bệnh qua không gian, qua điện thoại đang xảy ra nhan nhãn khắp đây đó là khác nữa. Những hiện tượng trên, nếu không nói là họ đang gây nghiệp quả sâu xa thì không còn cách nào khác hơn để diễn tả. Khi họ gây nghiệp như vậy mà nhân danh Phật, Bồ Tát thì không “ oan Phật ba đời” là cũng lạ. Những lời lẽ và hành động như trên nếu không phải là “ ma thuyết”, không lẽ là Phật Thuyết?
Tôi thử đưa ra một ví dụ khác hơi trừu tượng một chút, về chuyện giữ giới. Như một người đi rừng làm củi, thấy một người chạy ngang qua, đằng sau một đám giặc cướp (sơn tặc) đến hỏi ông ta, “Ông thấy có người chạy ngang qua đây không và chạy về hướng nào?” Người đi rừng nghĩ rằng mình không chỉ cho họ thì sẽ phạm tội nói láo, những hỡi ôi, khi chỉ cho bọn sơn tặc thì nạn nhân kia đã bị giết. Đây là trường hợp giữ Giới mà không hiểu được rằng Giới do Đức Phật chế ra là cốt để ngăn ngừa nghiệp ác và hoàn thiện cho con người, nhưng nếu không hiểu được ý nghĩa nầy thì có thể sự giữ giới sẽ trở thành trói buộc người thọ giới và sẽ ngược tác dụng. Trường hợp nầy quả là “oan Phật” vậy. Từ đó người tu Phật sẽ nhận ra một điều là Pháp Phật chỉ là con đường của Trí Tuệ và Từ Bi, dẫn đến chân lý và người đến chính là hành giả. Nhưng nếu trên con đường hành hoạt mà vắng bóng của một trong hai chất liệu là Trí Tuệ và Từ Bi thì con đường đó sẽ là con đường Ma Đạo ( Ma Thuyết).
Để kết thúc bài viết này, người viết xin trích một đoạn trong Kinh Nền Tảng Đức Tin (13) để chúng ta cùng chiêm nghiệm lời nhắn nhủ thật thâm sâu của Đức Phật , như sau:
Này các thiện nam, tín nữ Ka-la-ma, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về mười nền tảng của Đức tin chân chánh.
Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
Bảy là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với định kiến của mình.
Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, tư duy và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quí vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài” thì lúc ấy quí vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.
Các tài liệu tham khảo:
1- Hán Việt Từ Điển, Thiền Chửu
2- Từ Điển Anh Việt, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, NXB Khoa Học Hà Nội – Việt Nam, 1991
3- Từ Điển Tiếng Việt, Ngôn Ngữ Học, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1994
5- The Buddha and His Teachings, Narada, Buddhist Missionary Society, Malaysia, 1988, Page 690.
6- Plum Village Chanting Book, Published by Parallax Press, 1991, Page 60-61.
7- Buddhist: The Wisdom of Compassion and Awakening, Ven, Master ChinKung, Edited by Silent Voices, 2003 Page 52.
8- GHPGVN, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Từ Điển Phật Học Hán Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, 2002 trang 120.
9- Nghi Thức Tụng Niệm Toàn Quốc Văn, Đạo Tràng Mai Thôn. Lá Bối xuất bản, 1999, Thích Nhất Hạnh.
10- Kinh Thuỷ Sám, Thích Trí Quang dịch ( theo chú thích của Hoà Thượng, Ngài có tham khảo thêm 3 bản của các Ngài Huyền Trang, Khuy Cơ và Thiên Trắc.)
11- Hai bài Hiện Tượng Đạo Thanh Hải của Trần Trung Ngôn và Nguyên Hồng, Giaodiem.com tháng 8. 2004
13- Kinh Tụng Hằng Ngày, Tỳ Kheo Thích Nhật Từ, Đạo Phật Ngày Nay. 2002
Tuệ Minh – Thích Phước Toàn
Mùa Xuân 2004, Phật lịch 2548
(Trích Giai Phẩm Kỷ Niệm 10, Chùa Phước Huệ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *