VU LAN, MÙA THI HOÁ TÂM HỒN

Sắc thu cách điệu riêng thu
Áo vàng màu lá xanh nhu núi rừng
Sương như tắm nhỏ rưng rưng
Mỗi cành một thể góp phần nên thơ

Đêm trăng đẹp sáng sương mờ
Trưa phai màu nắng tối mưa phủ đường
Trầm kín ẩn lại toả hương
Bao người ca ngợi ta thương thu vàng!..” ( Sắc thu)

Mùa thu là mùa của sự tĩnh lặng, thời tiết hợp quần cảnh vật, đó cũng là nhân duyên tạo cho con người cảm giác lâng lâng nhẹ. Và đó cũng là chất xúc tác thôi thúc không ít những tao nhân mặc khách đời lẫn đạo viết nên những dòng thơ tuyệt đẹp, nếu không muốn nói là bất hủ.

Khung cảnh tĩnh, không chỉ riêng cho loài người cảm nhận mà ngay cả loài hoang dã, đôi khi bỏ quên cả sự cảnh giác đến nhẹ tênh, “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô”. (Tiếng thu-Lưu Trọng Lư). Hoặc sự buông thư của con người đến chừng như không còn dính mắc gì giữa cuộc đời đầy lao xao biến động, “Rằng xưa có gả từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.” (Động Hoa Vàng-Phạm Thiên Thư). Ta có thể ví mùa thu là mùa của tiếng gọi sâu xa tận tâm hồn, và để nghe được tiếng gọi đạo vị hơn thì ta hãy biết trở về để có thể lắng lòng với tiếng thu cưu, “Mẹ về trong tiếng thu cưu/ trong hương hoa bưởi, trong đề thư con.” (Tiếng thu cưu-Trụ Vũ)

“Tiếng thu cưu” là tiếng gì mà con người nghe ra đã man mác đến muốn chấn động cõi lòng lắm thế? Bởi luồng sinh khí của tiết thu được sống dậy cũng xuất phát từ những tấm lòng của những người con hiếu. Lại nữa, thoáng gió thu cũng là niềm thôi thúc con người biết quay về lắng sâu nơi đáy dạ. Nơi mà điều gì đó vừa nghiêm túc vừa để tưởng nhớ một ân đức sanh thành dưỡng dục cho: Mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bồng ẵm, nuôi nấng, che chở, và dạy dỗ; ta mới nên người và hiện hữu hôm nay. Vậy nên, mùa Vu Lan không những chỉ nhắc nhở con người biết trở về với chính mình, mà cũng là trở về với năng lượng thiện lành sẵn có trong ta để tỏa sáng hạt chủng nhân-sanh-quan.

Nhân sanh quan sáng soi hồn thu nước
Hạt giống thiện tươi mới nếp nghĩa ân
Trời vẫn rạng tình Cha muôn dặm bước
Trăng luôn ngời lòng Mẹ một bản tâm (Hạt chủng thiện)

Và sự trở về đó cũng là thượng duyên giúp con người lắng đọng và thấy ra điều hay lẽ phải, cũng như để cảm nhận niềm cảm xúc với những người quanh ta. Trong khi nếu tâm ta giận dữ, ích kỷ, hiếu thắng thì làm sao ta có thể thông cảm được bao nỗi xót xa, nhọc nhằn ấy? Xa hơn là sự đồng cảm cùng với xã hội loài người trên tinh cầu này như các bậc hiền triết, các bậc giác ngộ. Và trọn vẹn nữa thì về với bản tâm từ bi vô lượng của Phật.

Điều gì làm nên phẩm giá con người?Là tâm hạnh hiếu thảo mà nhà Phật có câu châm ngôn: Tâm Hiếu là tâm Phật/ Hạnh Hiếu là hạnh Phật. Do đó, với người con Phật thì càng phải khắc cốt ghi tâm lời dạy tuyệt vời nhân bản của Đức Thế Tôn qua hai bản kinh: Vu Lan Bồn và Báo Ân Cha Mẹ. Ở đó không chỉ nói lên tâm tư con người phải biết trở về trong mùa báo hiếu, mà, sự trở về để hiện hữu và sống với bằng bản tâm thuần hiếu ấy. Do đó, hạnh hiếu nói lên tư cách và tư cách ấy xây dựng nên tính cao thượng của con người.

Cũng trên phương diện Hiếu hạnh đó, ngoài bổn phận đền đáp thâm ân của Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ ra, ta còn một trọng ân vô cùng cao quý khác, là ân Tam Bảo. Và một trong hiện tiền Tam Bảo mà ta có thể trực tiếp tiếp xúc, hoặc gián tiếp cảm nhận, dù họ chỉ là phàm Tăng. Đặc biệt, với tâm tình của người con Việt, người xuất gia, ngoài việc thúc liễm tự thân và trau dồi nội điển hầu bố thí Pháp để đền ơn đàn na tín thí; mặt khác, trải bao đời giữa thời chiến loạn, giữa những dịch bệnh, lũ lụt, những khổ đau tang tóc, dù là thiên tai hay nhân hoạ thì, chiếc áo nâu sòng vẫn luôn rộng lòng đồng hành với đồng bào, với dân tộc. Ở đó, họ luôn là kẻ quên mình, kể cả sự hy sinh tánh mạng để lăn xả trước những nguy nan, tựa hồ như những chiếc phao cứu sinh trong dòng chảy tang thương cấp bách ấy.

Thế nhưng, đến lúc thời bình, sóng lặng trời yên, chỉ cần một luồng gió độc lạ nào đó thổi ngang qua thì, cũng chính chư Tăng chư Ni đã từng xả thân cho ta đó, lại bị ta đưa lên bàn mổ xẻ, nguyền rủa không thương tiếc; ngẫm cho cùng, Đức Cồ Đàm dù có cả tấm lòng thương chúng sanh vô biên, cũng phải buông lời quở trách, “Ta xét chúng sanh tuy làm thân người, tâm trí hôn mê, bất hiếu bất mục” (Kinh Báo Ân Cha Mẹ). Mê muội mà Đức Thế Tôn ví là người có mắt cũng như không có tròng nên mới trở thành kẻ bất hiếu. Than ôi…! Nên,

Tiếng thu cưu tỉnh cơn mê
Sắc thu soi nẻo đường về thương yêu
Tận thâm tâm khắc một điều
Tình người trân quý nâng niu tấc lòng

Kính Cha, thờ Mẹ, trọng Tăng
Vườn tâm đức hạnh siêng năng vun bồi
Mắt trong trong suốt chân trời
Tư duy lắng đọng ngôn lời thanh tao (Vu Lan Hiếu Niệm)

Nhân mùa Vu Lan đang về trên khắp mọi miền đất nước và cũng đang tỏa lan khắp năm châu bốn biển, nơi đâu có bóng dáng của người Việt thì nơi đó không khí Vu Lan Hiếu Hạnh cũng trở nên sinh động. Đạo Tràng Phước Huệ ngưỡng kính chúc chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni tứ đại điều hoà, đèn tuệ diệu soi, tâm bi rạng tỏa, phật sự hanh thông. Đồng kính chúc đại chúng thân tâm thường lạc, tâm hiếu, hạnh hiếu tròn đầy.

Tuệ Minh-Thích Phước Toàn
Rằm tháng Bảy, Mùa Vu Lan PL. 2568, TL 2024

VU LAN, MÙA THI HOÁ TÂM HỒN - Tuệ Minh - Thích Phước Toàn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *